Thành phần của Thuốc Natrixam 1.5mg/10mg
Thông tin thành phần |
Hàm lượng |
---|---|
Indapamide |
1,5 mg |
Amlodipine |
10 mg |
Công dụng của Thuốc Natrixam 1.5mg/10mg
Chỉ định
Thuốc Natrixam được chỉ định chỉ định thay thế trong điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân đã dùng indapamide và amlodipine riêng rẽ có cùng hàm lượng.
Dược lực học
Indapamide là dẫn chất sulfonamide có nhân indol, tác dụng dược lý gần giống với các thuốc lợi tiểu thiazide, có tác dụng ức chế tái hấp thu natri tại giai đoạn pha loãng của vỏ thận. Thuốc làm tăng thải trừ ion natri, chlor và làm tăng thải trừ ở mức độ ít hơn đối với kali và magnesi, do đó làm tăng bài niệu và có tác dụng hạ huyết áp.
Amlodipine là một thuốc chẹn kênh calci thuộc nhóm dihydropyridine (chẹn kênh chậm hoặc đối kháng ion calci) và ức chế dòng xuyên màng ion calci đi vào cơ tim và cơ trơn mạch máu.
Tác dụng chống tăng huyết áp của amlodipine là do hiệu quả làm giãn trực tiếp cơ trơn mạch máu.
Dược động học
Sử dụng đồng thời indapamide và amlodipine không làm thay đổi các đặc tính dược động học khi so sánh với các thuốc riêng lẻ.
Indapamide:
Indapamide 1,5 mg được cung cấp dưới dạng liều giải phóng kéo dài dựa trên cốt (matrix), trong đó hoạt chất được phân tán trong chất mang cho phép giải phóng từ từ indapamide.
Hấp thu
Lượng indapamide giải phóng được hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Thức ăn làm tăng nhẹ tốc độ hấp thu nhưng không ảnh hưởng đến lượng hoạt chất được hấp thu. Nồng độ đỉnh trong huyết thanh sau khi dùng liều đơn xuất hiện khoảng 12 giờ sau khi uống, liều lặp lại làm giảm sự dao động nồng độ thuốc trong huyết thanh giữa 2 liều. Có sự dao động giữa các cá thể.
Phân bố
Tỷ lệ gắn kết với protein huyết tương của indapamide là 79%. Trạng thái ổn định đạt được sau 7 ngày. Dùng liều lặp lại không gây tích lũy thuốc.
Thải trừ
Thuốc thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (70% liều) và qua phân (22%) dưới dạng chất chuyển hóa không có hoạt tính. Thời gian bán thải trong huyết tương 14–24 giờ (trung bình 18 giờ).
Các thông số dược động học không thay đổi trên bệnh nhân suy thận.
Amlodipine:
Amlodipine được cung cấp dưới dạng liều giải phóng tức thời.
Hấp thu
Sau khi uống liều điều trị, amlodipine được hấp thu tốt với nồng độ đỉnh trong máu khoảng 6 – 12 giờ. Sinh khả dụng tuyệt đối được ước tính nằm trong khoảng 64–80%. Sinh khả dụng của amlodipine không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
Phân bố
Thể tích phân bố khoảng 21 l/kg. Các nghiên cứu in vitro cho thấy khoảng 97,5% amlodipine lưu hành trong tuần hoàn gắn với protein huyết tương.
Chuyển hóa–thải trừ
Thời gian bán thải pha cuối của thuốc trong huyết tương khoảng 35–50 giờ và phù hợp với liều dùng một lần trong ngày. Amlodipine được chuyển hóa chủ yếu tại gan thành các chất chuyển hóa không có hoạt tính với 10% thuốc mẹ và 60% các chất chuyển hóa được thải trừ qua nước tiểu.
Cách dùng Thuốc Natrixam 1.5mg/10mg
Cách dùng
Thuốc dùng đường uống. Thuốc nên uống vào buổi sáng. Uống viên nén nguyên vẹn với nước, không nhai thuốc.
Liều dùng
Uống 1 viên/lần x 1 lần/ngày.
Dạng phối hợp liều cố định không phù hợp với điều trị ban đầu. Chỉ dùng cho bệnh nhân đã dùng indapamide và amlodipine riêng rẽ có cùng hàm lượng.
Nếu cần thiết phải hiệu chỉnh liều, cần chỉnh liều trên từng thành phần bằng cách dùng phối hợp các viên đơn thành phần.
Trẻ em
Độ an toàn và hiệu quả của Natrixam trên trẻ em và trẻ vị thành niên chưa được thiết lập. Hiện chưa có dữ liệu.
Người cao tuổi
Có thể được điều trị bằng Natrixam tùy theo chức năng thận.
Bệnh nhân suy thận
Ở bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinine dưới 30 ml/phút), chống chỉ định điều trị bằng Natrixam. Ở bệnh nhân suy thận mức độ nhẹ đến trung bình, không cần hiệu chỉnh liều.
Bệnh nhân suy gan
Ở bệnh nhân suy gan nặng, chống chỉ định dùng Natrixam. Liều khuyến cáo của amlodipine chưa được thiết lập ở bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ đến trung bình, do đó cần thận trọng khi lựa chọn liều và cần khởi trị với liều ở mức thấp dưới của khoảng liều cho phép.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Indapamide
Biện pháp ban đầu bao gồm đào thải nhanh các chất đưa vào hệ tiêu hoá bằng cách rửa dạ dày và/hoặc uống than hoạt tính, tiếp theo khôi phục lại sự cân bằng nước/điện giải trở về mức bình thường tại một trung tâm y tế chuyên khoa.
Amlodipine
Hạ huyết áp rõ rệt trên lâm sàng do quá liều amlodipine cần các hoạt động hỗ trợ cho tim mạch bao gồm theo dõi thường xuyên chức năng tim và hô hấp, độ phù của các chi và chú ý đến thể tích tuần hoàn và lượng nước tiểu. Sử dụng một thuốc co mạch có thể có ích trong việc phục hồi trương lực mạch máu và huyết áp trong trường hợp không có chống chỉ định.
Calci gluconate truyền tĩnh mạch có thể có hiệu quả đối kháng lại tác dụng của thuốc chẹn kênh calci. Rửa dạ dày có thể có giá trị trong một số trường hợp. Trên người tình nguyện khỏe mạnh, việc sử dụng than hoạt đến 2 giờ sau khi dùng amlodipine 10 mg làm giảm tỷ lệ hấp thu của amlodipine. Lọc máu không có hiệu quả do amlodipine gắn nhiều với protein huyết tương.
Làm gì khi quên 1 liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc Natrixam, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
Các tác dụng không mong muốn được báo cáo phổ biến nhất của indapamide và amlodipine bao gồm hạ kali huyết, buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, suy giảm thị lực, chứng nhìn đôi, đánh trống ngực, đỏ bừng mặt, khó thở, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, thay đổi thói quen của ruột, tiêu chảy, táo bón, phát ban dát sần, sưng mắt cá chân, chuột rút, phù nề, mệt mỏi và suy nhược.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Lưu ý
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Chống chỉ định
Thuốc Natrixam chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, các thuốc sulfonamide khác, các dẫn chất dihydropyridine hoặc với bất cứ tá dược nào.
- Suy thận nặng (độ thanh thải creatinine dưới 30 ml/phút).
- Suy gan nặng hoặc bệnh não do gan gây ra.
- Nồng độ kali trong máu thấp.
- Phụ nữ cho con bú.
- Hạ huyết áp nghiêm trọng.
- Sốc (bao gồm cả sốc tim).
- Tắc nghẽn đường ra của tâm thất trái (như hẹp động mạch chủ mức độ nặng).
- Suy tim có huyết động không ổn định sau nhồi máu cơ tim cấp.
Thận trọng khi sử dụng
Bệnh não do gan gây ra:
Khi gan bị suy, các thuốc lợi tiểu liên quan đến thiazide có thể gây ra bệnh não do gan, đặc biệt trong trường hợp mất cân bằng điện giải. Do có mặt indapamide, cần ngừng uống Natrixam ngay lập tức nếu tình trạng này xảy ra.
Nhạy cảm ánh sáng:
Đã có báo cáo về phản ứng nhạy cảm ánh sáng do các thiazide và các thuốc lợi tiểu liên quan tới thiazide. Nếu phản ứng nhạy cảm ánh sáng xảy ra trong quá trình điều trị, bệnh nhân được khuyến cáo ngừng điều trị. Nếu việc sử dụng lại thuốc lợi tiểu được cho là cần thiết, bệnh nhân được khuyến cáo bảo vệ những vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc với tia UVA nhân tạo.
Cơn tăng huyết áp:
Độ an toàn và hiệu quả của amlodipine trên cơn tăng huyết áp chưa được thiết lập.
Cân bằng nước và điện giải:
-
Natri huyết tương: Phải kiểm tra thông số này trước khi bắt đầu điều trị, sau đó tiến hành kiểm tra thường kỳ. Giảm nồng độ natri có thể khởi đầu không có triệu chứng đặc biệt, do đó việc kiểm tra thường xuyên là cần thiết. Cần tiến hành kiểm tra thường xuyên hơn ở người cao tuổi và bệnh nhân xơ gan. Điều trị bằng thuốc lợi tiểu nào cũng có thể gây hạ natri huyết, đôi khi gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hạ natri huyết kèm giảm dung lượng máu có thể gây mất nước và hạ huyết áp thế đứng. Sự mất đi đồng thời các ion chloride có thể dẫn đến nhiễm kiềm chuyển hóa thứ phát. Tần suất và mức độ của tác dụng này là nhẹ.
-
Kali huyết tương: Hạ kali máu là nguy cơ chính khi dùng thuốc lợi tiểu nhóm thiazide và các thuốc lợi tiểu có liên quan tới nhóm thiazide. Cần ngăn ngừa nguy cơ bắt đầu giảm nồng độ kali huyết (< 3,4 mmol/l) ở một số nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh nhân suy dinh dưỡng, và/hoặc đang uống nhiều thuốc cùng lúc, bệnh nhân xơ gan có phù và cổ trướng, bệnh nhân bị bệnh mạch vành và bệnh nhân suy tim. Trong những trường hợp đó, hạ kali huyết sẽ làm gia tăng độc tính trên tim của digitalis và nguy cơ loạn nhịp tim.
Bệnh nhân có khoảng QT dài cũng có nguy cơ, mặc dù nguyên nhân là bẩm sinh hay do quá trình điều trị. Hạ kali huyết cũng như nhịp tim chậm sẽ là yếu tố thúc đẩy nguy cơ khởi phát loạn nhịp tim nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ xoắn đỉnh, có thể dẫn đến tử vong.
Trong tất cả trường hợp trên, cần tiến hành kiểm tra thường xuyên nồng độ kali huyết. Lần đo kali huyết đầu tiên nên tiến hành trong tuần đầu điều trị. Nếu phát hiện nồng độ kali huyết thấp, cần điều chỉnh.
-
Calci huyết tương: Các thuốc lợi tiểu nhóm thiazide và liên quan tới nhóm thiazide có thể làm giảm bài tiết calci qua đường niệu, gây tăng nhẹ và thoáng qua nồng độ calci máu. Sự tăng đáng kể nồng độ calci có thể liên quan tới chứng tăng năng tuyến cận giáp chưa được chẩn đoán trước đó. Trong trường hợp đó, cần ngưng dùng thuốc trước khi kiểm tra chức năng tuyến cận giáp.
Glucose máu:
Do có mặt indapamide, kiểm soát nồng độ glucose máu là quan trọng ở bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt khi nồng độ kali máu thấp.
Suy tim:
Bệnh nhân suy tim cần được điều trị một cách thận trọng. Trong một nghiên cứu dài hạn có đối chứng với giả dược trên bệnh nhân suy tim nặng (NYHA độ III và độ IV), tình trạng phù phổi xảy ra với tần suất cao hơn trong nhóm điều trị bằng amlodipine so với nhóm chứng. Thuốc chẹn kênh calci bao gồm cả amlodipine cần được sử dụng một cách thận trọng ở bệnh nhân suy tim sung huyết, do các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch và tử vong xảy ra sau đó.
Chức năng thận:
-
Các thuốc lợi tiểu nhóm thiazide và liên quan đến nhóm thiazide chỉ phát huy đầy đủ hiệu quả khi chức năng thận bình thường hoặc chỉ suy thận nhẹ (nồng độ creatinine huyết tương thấp hơn 25 mg/l, nghĩa là 220 μmol/l ở người lớn). Ở người cao tuổi, giá trị creatinine huyết tương cần được hiệu chỉnh theo độ tuổi, cân nặng và giới tính của bệnh nhân.
-
Giảm thể tích tuần hoàn thứ phát sau khi mất nước và natri do dùng thuốc lợi tiểu khi bắt đầu điều trị dẫn đến giảm lọc cầu thận. Điều này gây tăng urea máu và tăng creatinine huyết tương. Sự ảnh hưởng tạm thời này trên chức năng thận không gây biến chứng ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường, tuy nhiên có thể gây trầm trọng thêm ở bệnh nhân trước đó bị suy thận.
-
Amlodipine có thể dùng cho bệnh nhân suy thận ở liều thông thường. Sự thay đổi nồng độ amlodipine huyết tương không tương quan với mức độ suy thận. Amlodipine không được loại trừ qua lọc máu.
-
Tác động của dạng kết hợp Natrixam vẫn chưa được kiểm tra trên bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Ở bệnh nhân suy thận, liều Natrixam cần tuân thủ theo liều của từng thành phần khi dùng đơn lẻ.
Acid uric:
Do có mặt indapamide, nguy cơ mắc bệnh gout có thể tăng ở bệnh nhân tăng acid uric máu.
Chức năng gan:
-
Thời gian bán thải của amlodipine kéo dài và diện tích dưới đường cong cao hơn ở bệnh nhân suy gan. Liều khuyến cáo cho đối tượng này vẫn chưa được thiết lập. Do đó, amlodipine cần được khởi trị ở liều thấp nhất của khoảng liều và cần thận trọng khi bắt đầu điều trị cũng như khi tăng liều.
-
Tác động của dạng kết hợp Natrixam vẫn chưa được kiểm tra trên bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Theo như tác động của từng thành phần indapamide và amlodipine, chống chỉ định dùng Natrixam cho bệnh nhân suy gan nặng và cần thận trọng ở bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ đến trung bình.
Người cao tuổi:
Cần được điều trị với Natrixam tùy theo chức năng thận.
Không nên dùng Natrixam cho bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, thiếu hụt Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose–galactose.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Natrixam có tác động nhẹ đến trung bình lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Mặc dù ít nguy cơ với indapamide nhưng có thể xảy ra những phản ứng khác nhau liên quan đến hạ huyết áp ở một vài bệnh nhân, đặc biệt ở giai đoạn đầu điều trị hoặc khi bệnh nhân sử dụng thêm một thuốc hạ huyết áp khác. Do đó, khả năng lái xe và vận hành máy móc có thể bị ảnh hưởng.
Amlodipine có thể có ảnh hưởng từ nhẹ đến trung bình lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Nếu bệnh nhân dùng amlodipine có triệu chứng hoa mắt, đau đầu, mệt mỏi hoặc buồn nôn, khả năng phản ứng có thể bị ảnh hưởng. Khuyến cáo thận trọng đặc biệt ở giai đoạn đầu điều trị.
Thời kỳ mang thai
Không khuyến cáo dùng Natrixam cho phụ nữ có thai.
Thời kỳ cho con bú
Chống chỉ định dùng Natrixam khi cho con bú.
Tương tác thuốc
Indapamide:
Phối hợp không được khuyến cáo
Lithi: Sự gia tăng lithi huyết tương với triệu chứng của tình trạng quá liều, tương tự khi áp dụng chế độ ăn không muối (bài tiết lithi qua đường niệu giảm). Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc lợi tiểu, cần kiểm soát chặt chẽ nồng độ lithi huyết tương và cần hiệu chỉnh liều.
Phối hợp cần thận trọng
Thuốc gây hiện tượng xoắn đỉnh: Thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia (quinidine, hydroquinidine, disopyramide), thuốc chống loạn nhịp nhóm IlI (amiodarone, sotalol, dofetilide, ibutilide), một số thuốc chống loạn thần (các thuốc nhóm phenothiazine (chlorpromazine, cyamemazine, levomepromazine, thioridazine, trifluoperazine), các thuốc nhóm benzamide (amisulpride, sulpiride, sultopride, tiapride), các thuốc nhóm butyrophenone (droperidol, haloperidol)), bepridil, cisaprid, diphemanil, erythromycin đường tĩnh mạch, halofantrin, mizolastin, pentamidin, parfloxacin, moxifloxacin, vincamine đường tĩnh mạch.
Tăng nguy cơ loạn nhịp thất, đặc biệt là xoắn đỉnh (giảm kali huyết là một yếu tố nguy tơ). Cần kiểm soát sự giảm kali huyết và điều chỉnh nếu cần thiết trước khi sử dụng dạng phối hợp này. Kiểm soát về lâm sàng, các chất điện giải trong huyết tương và điện tâm đồ. Hãy sử dụng các chất không có nguy cơ gây xoắn đỉnh khi đang trong tình trạng hạ kali huyết.
-
Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) (đường dùng toàn thân) bao gồm các thuốc ức chế chọn lọc COX-2, acid salicylic liều cao (≥ 3 g/ngày): Có khả năng làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của indapamide. Nguy cơ suy thận cấp ở bệnh nhân mất nước (độ lọc cầu thận giảm). Tiến hành bù nước cho bệnh nhân; kiểm soát chức năng thận khi bắt đầu điều trị.
-
Các thuốc ức chế enzyme chuyển angiotensin: Nguy cơ hạ huyết áp đột ngột và/hoặc suy thận cấp khi điều trị bằng một thuốc ức chế enzyme chuyển xuất hiện khi bệnh nhân đang có tình trạng mất natri (đặc biệt ở bệnh nhân bị hẹp động mạch thận).
Ở bệnh nhân tăng huyết áp, khi việc điều trị bằng thuốc lợi tiểu trước đó có thể gây ra mất natri, cần phải dừng thuốc lợi tiểu 3 ngày trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc ức chế enzyme chuyển và bắt đầu dùng lại thuốc lợi tiểu hạ kali nếu cần thiết; hoặc dùng liều khởi đầu thấp thuốc ức chế enzyme chuyển và tăng liều dần dần.
Ở bệnh nhân suy tim sung huyết, bắt đầu điều trị với liều rất thấp thuốc ức chế enzyme chuyển, có thể sau khi giảm liều thuốc lợi tiểu hạ kali dùng đồng thời.
Nói chung, cần kiểm soát chức năng thận (creatinine huyết tương) trong những tuần đầu tiên bắt đầu điều trị bằng thuốc ức chế enzyme chuyển.
-
Các thuốc khác gây hạ kali: Amphotericin B (đường tĩnh mạch), gluco- và mineral-corticoid (dùng đường toàn thân), tetracosactid, thuốc nhuận tràng kích thích: Tăng nguy cơ hạ kali huyết (tác dụng hiệp đồng). Theo dõi kali huyết tương và điều chỉnh nếu cần thiết. Cần đặc biệt lưu ý trong trường hợp điều trị đồng thời với nhóm digitalis. Sử dụng các thuốc nhuận tràng không kích thích.
-
Thuốc nhóm digitalis: Hạ kali huyết dẫn tới các tác dụng độc của nhóm digitalis. Cần kiểm soát kali huyết tương và điện tâm đồ và nếu cần thiết, điều chỉnh việc điều trị.
-
Baclofen: Tăng hiệu quả chống tăng huyết áp. Bù nước cho bệnh nhân; kiểm soát chức năng thận khi bắt đầu điều trị.
-
Allopurinol: Điều trị đồng thời với indapamide có thể tăng nguy cơ phản ứng mẫn cảm với allopurinol.
Phối hợp cần cân nhắc
-
Thuốc lợi tiểu giữ kali (amiloride, spironolactone, triamterene): Trong khi sự phối hợp hợp lý có lợi ở một số bệnh nhân, sự giảm hoặc tăng kali huyết (đặc biệt ở những bệnh nhân suy thận hoặc đái tháo đường) có thể vẫn xảy ra. Cần kiểm soát nồng độ kali huyết và điện tâm đồ, nếu cần thiết, cần xem xét lại việc điều trị.
-
Metformin: Sự gia tăng nguy cơ gây nhiễm acid lactic của metformin do khả năng gây suy thận chức năng liên quan đến lợi tiểu và đặc biệt với thuốc lợi tiểu quai. Không được dùng metformin khi creatinine huyết tương vượt quá 15 mg/l (135 μmol/l) ở nam giới và 12 mg/l (110 μmol/l) ở nữ giới.
-
Thuốc cản quang chứa iod: Khi các thuốc lợi tiểu gây mất nước, nguy cơ suy thận cấp tăng lên, đặc biệt khi bệnh nhân sử dụng liều cao thuốc cản quang chứa iod. Cần bù nước trước khi sử dụng các thuốc chứa iod.
-
Các thuốc chống trầm cảm tương tự imipramine, thuốc an thần: Tác dụng chống tăng huyết áp và nguy cơ hạ huyết áp thế đứng đều tăng lên (tác dụng hiệp đồng).
-
Calci (dạng muối): Nguy cơ tăng calci huyết do sự giảm bài tiết calci qua nước tiểu.
-
Cyclosporin, tacrolimus: Nguy cơ tăng creatinine huyết tương không kèm theo bất cứ thay đổi nào về nồng độ cyclosporin trong tuần hoàn, ngay cả trường hợp bệnh nhân không bị mất nước hay mất natri.
-
Các thuốc nhóm corticosteroid, tetracosactid (dùng đường toàn thân): Làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp (giữ nước/natri do các thuốc nhóm corticosteroid).
Amlodipine:
Dantrolen (dạng truyền): Trên động vật, rung thất và trụy tim mạch dẫn đến tử vong đã được ghi nhận liên quan đến tăng kali máu khi kết hợp verapamil và dantrolen truyền tĩnh mạch. Do nguy cơ tăng kali máu, khuyến cáo nên tránh dùng đồng thời thuốc chẹn kênh calci như amlodipine với dantrolen trên bệnh nhân có khả năng tăng thân nhiệt ác tính và trong điều trị tăng thân nhiệt ác tính.
Không khuyến cáo dùng đồng thời amlodipine cùng với bưởi hoặc nước ép bưởi do sinh khả dụng của thuốc có thể tăng ở một số bệnh nhân, dẫn đến tăng tác dụng làm giảm huyết áp.
Các thuốc ức chế CYP3A4:
Sử dụng đồng thời amlodipine với các thuốc ức chế mạnh hoặc trung bình CYP3A4 (các thuốc ức chế protease, các thuốc kháng nấm dẫn chất azole, các macrolid như erythromycin và clarithromycin, verapamil hoặc diltiazem) có thể làm tăng đáng kể nồng độ amlodipine trong tuần hoàn. Biểu hiện lâm sàng tương ứng với sự thay đổi dược động học này của thuốc có thể rõ hơn ở bệnh nhân cao tuổi. Do đó, có thể cần phải theo dõi lâm sàng và điều chỉnh liều.
Tăng nguy cơ hạ huyết áp ở bệnh nhân đang dùng clarithromycin cùng với amlodipine. Khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ những bệnh nhân dùng đồng thời amlodipine với clarithromycin.
Các thuốc gây cảm ứng CYP3A4:
Chưa có dữ liệu về ảnh hưởng của các thuốc cảm ứng CYP3A4 với amlodipine. Sử dụng chung với các thuốc cảm ứng CYP3A4 (rifampicin, hypericum perforatum) có thể làm giảm nồng độ amlodipine trong huyết tương. Nên thận trọng khi dùng amlodipine cùng các thuốc gây cảm ứng CYP3A4.
Tác động của amlodipine lên những thuốc khác:
Tác dụng giảm huyết áp của amlodipine cộng hưởng với tác động giảm huyết áp của các thuốc chống tăng huyết áp khác.
Trong các nghiên cứu tương tác thuốc trên lâm sàng, amlodipine không ảnh hưởng đến dược động học của atorvastatin, digoxin, warfarin.
Tacrolimus:
Nguy cơ tăng nồng độ tacrolimus trong máu khi dùng cùng với amlodipine. Để tránh độc tính của tacrolimus, việc dùng amlodipine ở bệnh nhân đã dùng tacrolimus cần phải theo dõi nồng độ tacrolimus trong máu và điều chỉnh liều của tacrolimus nếu cần thiết.
Cyclosporin:
Chưa có nghiên cứu tương tác thuốc nào được tiến hành với cyclosporin và amlodipine ở những người tình nguyện khỏe mạnh hoặc những quần thể khác trừ những bệnh nhân ghép thận, mà nồng độ đáy của cyclosporin biến đổi tăng (trung bình 0–40%) đã quan sát được. Cần theo dõi nồng độ cyclosporin ở những bệnh nhân ghép thận dùng amlodipine, và nên giảm liều cyclosporin nếu cần.
Simvastatin:
Sử dụng đồng thời amlodipine 10 mg liều lặp lại và 80 mg simvastatin làm tăng 77% nồng độ simvastatin trong tuần hoàn so với khi dùng simvastatin đơn độc. Trên bệnh nhân dùng amlodipine, liều tối đa của simvastatin là 20 mg/ngày.
Bảo quản
Bảo quản dưới 30ºC.
Không sử dụng thuốc sau khi đã hết hạn sử dụng ghi trên vỏ hộp và vỉ thuốc.
Không đổ thuốc qua đường nước thải hoặc rác thải sinh hoạt. Hãy hỏi dược sĩ của bạn cách xử lý nếu bạn không sử dụng thuốc nữa. Điều này sẽ giúp bảo vệ môi trường.
đánh giá nào
Chưa có đánh giá nào.