Nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn vừa bước vào độ tuổi dậy thì, thường thắc mắc rằng không biết lông vùng kín có tác dụng gì, liệu cạo nó đi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không. Bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp thắc mắc cho bạn, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Đa phần mọi người đều có lông vùng kín khá rậm rạp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có vùng lông này, có người mọc rất muộn hoặc cả đời không có. Vậy lông vùng kín có tác dụng gì?
Lông vùng kín có tác dụng gì?
Lông ở vùng kín hay còn gọi là lông mu, mọc ở bộ phận sinh dục nam và nữ. Chúng thường ngắn, cong, màu đen đậm, mọc khi cơ thể chúng ta bước vào độ tuổi dậy thì, tùy vào gen và yếu tố hormone của cơ thể mà chúng sẽ mọc rậm hoặc thưa.
Lông vùng kín có nhiều chức năng phải kể đến như:
Điều hòa nhiệt độ vùng kín
Nhiều nghiên cứu cho thấy lông mu có vai trò giúp điều hòa nhiệt độ ở vùng kín. Vào những ngày thời tiết nóng, các tuyến da ở phía dưới lông mu sẽ tiết ra chất dầu có tác dụng làm mát, giảm nhiệt độ cho vùng kín. Vào các ngày mùa đông, lớp mô mềm cùng với lông mu sẽ giữ một lượng nhiệt nhất định, đảm bảo nhiệt độ cho vùng này.
Giảm sự cọ xát giữa da và quần áo
Da ở vùng kín rất nhạy cảm, nếu thường xuyên cọ xát với quần áo sẽ dễ dẫn đến tổn thương và nhiễm trùng. Do đó, lông mu giúp tạo khoảng không ngăn cách da vùng kín tiếp xúc quá nhiều với quần áo, từ đó giảm sự cọ xát, bảo vệ vùng kín được tốt hơn.
Tạo lớp màng chống dính cho da ở vùng bẹn
Ở bẹn, các kẽ da tiếp xúc với nhau, dẫn đến hiện tượng cọ xát, từ đó có thể nổi mẩn ngứa hoặc nhiễm trùng. Lông ở vùng kín đóng vai trò như một lớp màng đệm ngăn cách các vùng da này. Từ đó khắc phục được tình trạng ngứa rát trên.
Ngăn chặn bụi bẩn xâm nhập
Đây là tác dụng quan trọng nhất của lông mu, đặc biệt là với nữ giới, chúng như một lớp màng để bảo vệ bộ phận sinh dục. Lớp lông dày có thể ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn, vi khuẩn hoặc các dị vật vào vùng kín. Từ đó có thể hạn chế được các bệnh như nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng âm đạo,…
Hấp dẫn người khác giới
Mọc lông vùng kín có thể được xem là giai đoạn đánh dấu cơ thể chuẩn bị bước vào độ tuổi sinh sản. Theo một số nghiên cứu, các tuyến ở lớp lông mu tiết ra một chất gọi là pheromone, chất này đóng vai trò như một tín hiệu hóa học giúp thu hút, hấp dẫn bạn tình.
Cạo lông vùng kín có ảnh hưởng gì không?
Chúng ta đã được biết lông vùng kín có tác dụng gì thông qua những thông tin bên trên. Vậy có nên cạo đi lớp lông mu này không? Cạo lông vùng kín nữ có ảnh hưởng gì không?
Thông thường, nhiều chị em có thói quen cạo hết đi lớp lông này hoặc cạo một phần, hoặc dùng phương pháp tẩy lông, nhằm mục đích làm đẹp vùng kín và thu hút bạn tình. Tuy nhiên, nếu việc làm này không đúng cách có thể dẫn đến nhiều tình trạng có hại cho cơ thể như:
Kích ứng da
Như chúng ta đã biết, da vùng kín rất nhạy cảm. Khi da đang quen với việc có lông bảo vệ và đột nhiên bị “trơ trụi” sẽ dễ dẫn đến cọ xát với quần áo. Khi đó da vùng kín có thể bị tổn thương, gây mụn ngứa, kích ứng. Bên cạnh đó, chị em nào dùng kem tẩy lông không phù hợp cũng sẽ khiến da bị tổn thương và kích ứng.
Nguy cơ mắc bệnh vùng kín
Lớp lông mu đóng vai trò ngăn chặn bụi bẩn, vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín. Và dĩ nhiên, khi lớp bảo vệ đã bị phá bỏ thì vùng kín sẽ tăng nguy cơ viêm nhiễm, đặc biệt là với phụ nữ.
Lông mọc mới sẽ dày và cứng
Nhiều người nhận thấy, sau khi cạo lông vùng kín thì lông mọc lại cứng hơn, rậm hơn trước đó. Điều này có vẻ như trái với ý muốn của những người muốn làm sạch vùng kín.
Ảnh hưởng đến quan hệ tình dục
Theo quan điểm một số người, lông vùng kín được xem như xúc tác làm hưng phấn và thu hút bạn tình. Nếu cạo đi lớp lông này có thể làm mất đi cảm xúc hứng thú của đôi bên.
Khi nào cần cạo lông vùng kín? Vài lưu ý cần thiết
Lông mu đóng vai trò quan trọng nhất định trong cơ thể, chúng có nhiều tác dụng có lợi. Nhưng trong một số trường hợp bất lợi, việc cạo lông vùng kín nhằm đảm bảo sức khỏe, chẳng hạn như:
- Lông quá dày và rậm: Khi lông mu mọc quá dày sẽ gây bí bách, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, do đó dễ dẫn đến viêm nhiễm. Vì vậy, cạo bớt lông mu góp phần làm thông thoáng da, tránh nhiễm khuẩn.
- Khi có chỉ định của bác sĩ: Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ bắt buộc ta phải cạo đi lớp lông mu nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, tránh gây viêm nhiễm như sinh con, phẫu thuật phụ khoa (phẫu thuật u nang buồng trứng, u xơ tử cung,…).
Ngoài ra, cả nam và nữ cũng cần vài lưu ý chăm sóc vùng kín nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống, như:
- Giữ gìn vùng kín sạch sẽ: Tắm rửa hằng ngày, vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phù hợp.
- Nếu thấy lông quá rậm có thể cắt tỉa bớt 2 – 3cm, không nên tỉa sát mà cần chừa một đoạn ngắn để chúng thực hiện chức năng bảo vệ của mình.
- Chọn quần áo thoáng mát, rộng rãi, không nên mặc bó sát vùng kín. Đối với đồ lót cần chọn đồ có chất liệu co giãn, thấm hút tốt, đảm bảo vận động được dễ dàng và thoải mái.
Thông qua những chia sẻ trên, chắc hẳn bạn đã giải đáp được lông vùng kín có tác dụng gì. Và việc có nên cạo lông mu hay không còn tùy thuộc vào từng đối tượng, từng trường hợp khác nhau. Do đó, chúng ta không nên tự ý loại bỏ đi lớp lông này để tránh tác hại không mong muốn. Bên cạnh đó, việc vệ sinh vùng kín hằng ngày là điều cần thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe, tránh các bệnh liên quan đến đường sinh dục.
Xem thêm: Sau khi cạo lông vùng kín nên làm gì để bảo vệ da hiệu quả?
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp