Thành phần của Thuốc Pranstad 1
Thông tin thành phần |
Hàm lượng |
---|---|
Repaglinide |
1mg |
Công dụng của Thuốc Pranstad 1
Chỉ định
Thuốc Pranstad 1 được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong điều trị đái tháo đường tuýp 2 (không phụ thuộc insulin) ở bệnh nhân có glucose huyết cao không kiểm soát được bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục đơn thuần.
- Có thể phối hợp với metformin ở bệnh nhân có glucose huyết cao không được kiểm soát thỏa đáng bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục và đơn trị với metformin, sulfonylurê, repaglinide hay thiazolidinedion.
Dược lực học
Repaglinide làm giảm mức glucose huyết bằng cách kích thích tiết insulin từ tuyến tụy. Tác dụng này phụ thuộc vào chức năng của tế bào beta của đảo tụy. Sự phóng thích insulin phụ thuộc vào glucose và giảm khi nồng độ glucose ở mức thấp.
Repaglinide đóng các kênh kali phụ thuộc ATP ở màng tế bào beta bằng cách gắn kết tại các vị trí chuyên biệt. Sự đóng kênh kali gây khử cực tế bào beta, dẫn đến mở các kênh calci. Kết quả của sự tăng dòng canxi gây tiết insulin. Cơ chế kênh ion có tính chọn lọc mô cao với ái lực thấp ở cơ tim và cơ xương.
Dược động học
Repaglinide được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 1 giờ. Sinh khả dụng trung bình khoảng 60%.
Repaglinide liên kết với protein huyết tương cao và thời gian bán thải trong huyết tương khoảng 1 giờ. Repaglinide chuyển hóa hầu như hoàn toàn ở gan thông qua hệ thống cytochrom P450 isoenzym CYP2C8 và CYP3A4. Các chất chuyển hóa không có hoạt tính được thải trừ qua mật. Ở bệnh nhân bị suy thận (độ thanh thải creatinin ít hơn 40ml/phút) hoặc mắc bệnh gan mãn tính, nồng độ repaglinide trong huyết tương cao hơn và thời gian bán thải dài hơn.
Cách dùng Thuốc Pranstad 1
Cách dùng
Dùng bằng đường uống.
Uống trước mỗi bữa ăn trong vòng 15 phút, tuy nhiên có thể dao động từ trước bữa ăn 30 phút đến ngay trước bữa ăn.
Liều dùng
Liều khởi đầu
Đối với bệnh nhân chưa từng điều trị trước đây hoặc có HbA1C < 8%: Nên khởi đầu với liều 0,5 mg trước bữa ăn.
Đối với bệnh nhân đã từng điều trị với các thuốc hạ đường huyết và có HbA1C ≥ 8%: Liều khởi đầu là 1 – 2 mg trước bữa ăn.
Điều chỉnh liều
Điều chỉnh liều nên xác định bằng đáp ứng glucose huyết, thường là glucose huyết khi đói.
Liều trước bữa ăn nên được tăng gấp đôi đến 4 mg cho đến khi mức glucose huyết đạt yêu cầu. Đánh giá đáp ứng sau mỗi lần điều chỉnh liều ít nhất một tuần.
Thang liều đề nghị từ 0,5 mg đến 4 mg. Pranstad 1 có thể dùng trước bữa ăn 2, 3, hoặc 4 lần/ngày tùy thuộc vào kiểu bữa ăn của bệnh nhân. Liều tối đa trong ngày là 16 mg.
Bệnh nhân đang dùng thuốc đái tháo đường khác
Bệnh nhân có thể chuyển trực tiếp từ các thuốc đái tháo đường dạng uống khác sang repaglinide. Liều tối đa bắt đầu chuyển sang dùng repaglinide là 1 mg trước bữa ăn.
Phối hợp với metformin
Cần điều chỉnh liều của mỗi thuốc để kiểm soát được glucose huyết, mỗi thuốc nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả.
Nhóm bệnh nhân đặc biệt
Bệnh nhân bị suy thận nặng (độ thanh thải creatinin từ 20 – 40mL/phút) nên bắt đầu điều trị bằng repaglinide với liều 0,5 mg, sau đó cần điều chỉnh liều cẩn thận.
Chưa có nghiên cứu lâm sàng ở trẻ em và thanh thiếu niên < 18 tuổi hoặc bệnh nhân >75 tuổi. Vì vậy không khuyên dùng cho nhóm bệnh nhân này.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Biểu hiện quá liều cấp tính repaglinide chủ yếu là hạ glucose huyết.
Các triệu chứng hạ glucose huyết mà không mất ý thức hay độc thần kinh: Uống ngay glucose và điều chỉnh liều dùng thuốc và/hoặc chế độ ăn. Bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ ít nhất 24 đến 48 giờ, vì hạ đường huyết có thể tái phát sau khi đã hồi phục lâm sàng rõ ràng. Chưa có bằng chứng rằng repaglinide được loại bỏ bằng phương pháp thẩm tách máu.
Hạ glucose huyết trầm trọng kèm hôn mê, co giật hoặc suy nhược thần kinh ít khi xảy ra, cần phải cấp cứu và đưa ngay vào bệnh viện. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán hay nghi ngờ bị hôn mê do hạ glucose huyết, tiêm tĩnh mạch nhanh dung dịch glucose (nồng độ 50%). Sau đó tiếp tục truyền dung dịch glucose loãng hơn (nồng độ 10%) với tốc độ có thể duy trì nồng độ glucose huyết ở mức trên 100 mg/dL.
Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất.
Làm gì khi quên 1 liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc Pranstad 1, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
Thường gặp, (1/100 ≤ ADR < 1/10)
-
Chuyển hóa: Hạ glucose huyết.
-
Hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm xoang, viêm mũi, viêm phế quản.
-
Tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy.
-
Cơ xương: Đau khớp, đau lưng.
-
Thần kinh: Đau đầu.
Ít gặp, (1/1.000 ≤ ADR < 1/100)
-
Tiêu hóa: Táo bón, nôn, khó tiêu.
-
Khác: Dị cảm, đau ngực, nhiễm trùng đường tiết niệu, dị ứng.
Hướng dẫn xử trí ADR
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Lưu ý
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Chống chỉ định
Thuốc Pranstad 1 chống chỉ định trong các trường hợp sau:
-
Bệnh nhân quá mẫn với thuốc.
-
Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1.
-
Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng nhiễm toan chuyển hóa cấp tính hoặc mạn tính, kể cả nhiễm acid-ceton do đái tháo đường, có hoặc không có hôn mê; trường hợp này phải dùng insulin.
Thận trọng khi sử dụng
Repaglinide không được dùng chung với NPH-insulin.
Tất cả các thuốc hạ đường huyết kể cả repaglinide đều có khả năng gây hạ glucose huyết.
Suy gan có thể gây tăng nồng độ repaglinide trong máu cao và có thể làm giảm khả năng tân tạo glucose, cả hai điều này làm tăng nguy cơ hạ glucose huyết nghiêm trọng.
Người cao tuổi, bệnh nhân suy nhược hoặc suy dinh dưỡng và suy tuyến thượng thận, suy gan, suy tuyến yên, hoặc suy thận nặng đặc biệt nhạy cảm với tác dụng hạ glucose huyết.
Triệu chứng hạ glucose huyết khó nhận thấy ở người cao tuổi, người dùng thuốc chẹn beta-adrenergic. Hạ glucose huyết thường xảy ra khi lượng calori đưa vào cơ thể không đủ, sau khi hoạt động thể lực nặng hoặc kéo dài, uống rượu hoặc dùng đồng thời nhiều loại thuốc hạ glucose huyết.
Khi bệnh nhân đã ổn định với một phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường khi gặp stress như sốt, chấn thương, nhiễm trùng hoặc phẫu thuật, sự mất kiểm soát glucose huyết có thể xảy ra. Lúc này, nên ngưng dùng repaglinide và thay bằng insulin.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Bệnh nhân cần thận trọng tránh để hạ glucose huyết trong khi đang lái xe. Điều này đặc biệt quan trọng ở những người khó nhận biết những dấu hiệu của hạ glucose huyết hay thường xuyên bị hạ glucose huyết. Việc lái xe nên được cân nhắc trong những trường hợp này.
Thời kỳ mang thai
Chưa có nghiên cứu về độ an toàn của repaglinide trên phụ nữ mang thai, nên chỉ dùng repaglinide cho phụ nữ mang thai khi thật sự cần thiết.
Nồng độ glucose huyết bất thường trong thời kỳ mang thai có thể liên quan đến sự tăng tỉ lệ dị tật bẩm sinh. Insulin được khuyên dùng thay thế cho repaglinide trong thời kỳ mang thai để duy trì kiểm soát nồng độ glucose huyết tối ưu.
Thời kỳ cho con bú
Do khả năng repaglinide gây hạ glucose huyết và biến đổi xương có thể xảy ra ở trẻ đang bú sữa mẹ, nên ngưng dùng thuốc hoặc ngưng cho con bú, cân nhắc tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ. Nếu ngưng dùng repaglinide và chế độ ăn kiêng không đủ để kiểm soát glucose huyết thì dùng insulin thay thế.
Tương tác thuốc
Những thuốc ảnh hưởng đến enzym gan
Phối hợp repaglinide với các thuốc cảm ứng isoenzym CYP3A4 hay CYP2C8 như troglitazon, rifampin, barbiturat, carmabazepin về lý thuyết có thể làm tăng chuyển hóa repaglinide.
Phối hợp repaglinide với các thuốc ức chế isoenzym CYP2C8, như gemfibrozil, trimethoprim hoặc montelukast, có thể làm tăng nồng độ repaglinide trong huyết tương.
Những thuốc gắn kết protein
Salicylat hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác, sulfonamid, probenecid, cloramphenicol, thuốc chống đông máu dạng uống (như warfarin), thuốc ức chế monoamin oxidase, thuốc ức chế HMG-CoA reductase, thuốc chẹn beta-adrenergic. Khi bắt đầu hay ngừng sử dụng những thuốc này trong khi bệnh nhân đang dùng repaglinide, bệnh nhân cần theo dõi những biểu hiện hạ glucose huyết hay mất kiểm soát glucose huyết.
Thuốc khác
Những thuốc gây tăng glucose huyết và có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát glucose huyết ở bệnh nhân đái tháo đường bao gồm: Corticosteroid, niacin, thuốc lợi tiểu thiazid và các thuốc lợi tiểu khác, thuốc ngừa thai dạng uống, thuốc cường giao cảm, thuốc cường giáp, estrogen, phenytoin, phenothiazin, thuốc chẹn kênh calci và isoniazid.
Bảo quản
Bảo quản trong bao bì kín, nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30°C.
đánh giá nào
Chưa có đánh giá nào.