Thành phần của Thuốc Cefdinir 125
Thông tin thành phần |
Hàm lượng |
---|---|
Cefdinir |
125mg |
Công dụng của Thuốc Cefdinir 125
Chỉ định
Thuốc
Cefdinir 125 được chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra các bệnh sau:
- Đối với trẻ em từ 6 tháng đến dưới 13 tuổi: Viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hàm trên cấp tính, viêm tai giữa cấp, nhiễm khuẩn da và cấu trúc da không biến chứng.
- Đối với người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: Viêm họng và viêm amidan, đợt cấp viêm phế quản mạn tính, viêm xoang hàm trên cấp tính, viêm phổi cộng đồng, nhiễm khuẩn da và cấu trúc da không biến chứng.
Dược lực học
Cefdinir là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng diệt khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Các thử nghiệm in vitro và các nghiên cứu lâm sàng cho thấy cefdinir có phổ hoạt tính rộng kháng nhiều vi khuẩn gram âm như Haemophilus influenza, Haemophilus parainfluenzae, Moraxella catarrhalis (gồm cả chủng tiết beta-lactamase) và vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus (gồm cả chủng tiết beta-lactamase), Streptococcus pneumoniae (chủng nhạy cảm với penicillin), Streptococcus pyogenes.
Ngoài ra các kết quả in vitro còn cho thấy cefdinir có hiệu quả kháng một số dòng vi khuẩn gram âm khác như Citrobacter diversus, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabili và gram dương như Staphylococcus epidermidis (chủng nhạy cảm methicillin), Streptococcus agalactiae, Streptococci nhóm Viridans. Cefdinir không bị ảnh hưởng bởi một số loại men beta-lactamase, đặc biệt có hiệu quả tốt trên các loại vi khuẩn gram dương như Staphylococcus sp., Streptococcus sp., kháng với những kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin uống khác có từ trước. Các chủng Enterococci (Enterococcus faecalis), Pseudomonas, Enterobacter và Staphylococci kháng methicillin đều kháng cả cefdinir.
Cơ chế kháng cefdinir của vi khuẩn là giảm ái lực của cefdinir đối với protein đích hoặc giảm tính thấm của màng tế bào vi khuẩn đối với thuốc. Cefdinir có độ bền vững cao với sự thủy phân của beta-lactamase mã hóa bởi gen nằm trên plasmid và chromosome. Cefdinir ổn định trước một số enzyme beta-lactamase, nhưng không phải tất cả, do đó cơ chế kháng cefdinir còn có cả lý giải do một số beta-lactamase.
Dược động học
Hấp thu
Sau khi uống cefdinir, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được 2 – 4 giờ. Sinh khả dụng tuyệt đối ước tính khoảng 25% khi dùng dưới dạng hỗn dịch uống. Ở bệnh nhi từ 6 tháng đến 12 tuổi, uống liều duy nhất 7mg/kg cefdinir ở dạng hỗn dịch, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt ở 2,2 giờ sau khi dùng.
Khi dùng với liều đơn 14mg/kg cho những bệnh nhân này thì nồng độ đỉnh trong huyết tương trung bình đạt 1,8 giờ sau khi uống. Dùng đồng thời cefdinir dạng hỗn dịch uống với bữa ăn nhiều chất béo làm giảm nồng độ đỉnh trong huyết tương và AUC của thuốc tương ứng 44% và 33%. Không có bằng chứng cho thấy cefdinir tích tụ trong huyết tương sau khi uống nhiều liều ở những bệnh nhân có chức năng thận bình thường với liều uống 2 lần/ngày.
Phân bố
Cefdinir được phân bố vào dịch tai giữa, amidan, mô xoang, phế quản, niêm mạc phổi… ở nồng độ khác nhau trong huyết tương. Ở những bệnh nhân nhi bị viêm tai giữa cấp do vi khuẩn khi uống liều 7mg hoặc 14mg/kg, nồng độ trung bình của thuốc trong dịch tai giữa là 3 giờ sau khi uống. Thể tích phân bố trung bình của cefdinir ở người trưởng thành là 0,35l/kg (± 0,29), ở trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi là 0,67l/kg (± 0,38). Tỷ lệ gắn kết với protein huyết tương của cefdinir là 60 – 70%, sự gắn kết này độc lập với nồng độ của thuốc.
Chuyển hoá – thải trừ
Cefdinir chuyển hóa không đáng kể. Thuốc được đào thải chủ yếu ở thận. Ở người lớn có chức năng thận bình thường, thời gian bán thải trung bình trong huyết tương của cefdinir là 1,7 – 1,8 giờ. Độ thanh thải của cefdinir giảm ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Ở những bệnh nhân có độ thanh thải creatinine 30 – 60ml/phút, nồng độ đỉnh trong huyết tương và thời gian bán thải trong huyết tương tăng gấp 2 lần và AUC tăng gấp 3 lần.
Ở bệnh nhân có độ thanh thải creatinine dưới 30ml/phút, nồng độ đỉnh trong huyết tương tăng gấp 2 lần nhưng thời gian bán thải trong huyết tương và AUC tăng gấp 5 – 6 lần tương ứng. Cefdinir được loại bỏ khỏi cơ thể qua đường thẩm tách máu. Khoảng 63% thuốc được loại bỏ khỏi cơ thể trong 4 giờ theo đường thẩm phân. Thời gian bán thải của cefdinir ở bệnh nhân suy thận nặng giảm trong khoảng từ 1,6 – 3,2 giờ.
Cách dùng Thuốc Cefdinir 125
Cách dùng
Thuốc dùng đường uống. Hòa thuốc với lượng nước vừa đủ (khoảng 5–10 ml nước cho 1 gói), khuấy đều trước khi uống.
Liều dùng
Tổng liều trong ngày cho các bệnh nhiễm khuẩn là 14 mg/kg/ngày (tối đa 600mg/ngày).
Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 13 tuổi
Viêm họng, viêm amidan
Dùng 7mg/kg x 2 lần/ngày x 5 –1 0 ngày hoặc 14mg/kg/ngày x 10 ngày.
Viêm xoang hàm trên cấp tính
Dùng 7mg/kg x 2 lần/ngày x 10 ngày hoặc 14mg/kg/ngày x 10 ngày.
Viêm tai giữa cấp
Dùng 7mg/kg x 2 lần/ngày x 5 – 10 ngày hoặc 14mg/kg/ngày x 10 ngày.
Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da không biến chứng
Dùng 7mg/kg x 2 lần/ngày x 10 ngày.
Đối với bệnh nhân suy thận (ClCr < 30ml/phút)
Dùng 7mg/kg/ngày.
Trẻ em từ 13 tuổi trở lên hoặc trên 43 kg và người lớn
Khuyến cáo sử dụng dạng bào chế phù hợp với phân liều sau:
Viêm họng và viêm amidan
Dùng 300mg x 2 lần/ngày x 5 – 10 ngày hoặc 600mg x 1 lần/ngày x 10 ngày.
Đợt cấp viêm phế quản mạn tính
Dùng 300mg x 2 lần/ngày x 5 – 10 ngày hoặc 600mg x 1 lần/ngày x 10 ngày.
Viêm xoang hàm trên cấp tính
Dùng 300mg x 2 lần/ngày x 10 ngày hoặc 600mg x 1 lần/ngày x 10 ngày.
Viêm phổi cộng đồng
Dùng 300mg x 2 lần/ngày x 10 ngày.
Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da không biến chứng
Dùng 300mg x 2 lần/ngày x 10 ngày.
Đối với bệnh nhân suy thận (ClCr < 30ml/phút)
Dùng 300mg x 1 lần/ngày.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Xử lý quá liều chủ yếu là điều trị triệu chứng và loại thuốc ra khỏi cơ thể. Có thể tiến hành thẩm tách máu để loại thuốc ra khỏi máu.
Làm gì khi quên 1 liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc
Cefdinir 125, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
-
Nhiễm Candida da, nhiễm Candida âm hộ – âm đạo, nhiễm khuẩm âm đạo.
-
Máu: Giảm toàn thể huyết cầu, mất bạch cầu hạt, đông máu nội mạch ngưng kết, thiếu máu bất sản, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, thiếu máu tán huyết, tạng xuất huyết, bệnh đông máu, giảm bạch cầu trung tính.
-
Thần kinh: Chứng tăng động, mất nhận thức, rối loạn vận động.
-
Mắt: Viêm kết mạc.
-
Tim mạch: Suy tim, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp.
-
Phổi: Viêm phổi, suy hô hấp cấp tính, phù thanh quản, bệnh phổi kẽ, hen, viêm phổi ưa eosin, cảm giác nghẹt thở.
-
Tiêu hóa: Tiêu chảy, nôn, đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, phân bất thường, viêm đại tràng giả mạc, viêm ruột xuất huyết, xuất huyết tiêu hóa trên, tiêu chảy có máu, loét dạ dày, tắc ruột, phân đen, viêm ruột, viêm dạ dày.
-
Gan mật: Viêm gan bạo phát, suy gan, viêm gan cấp tính, ứ mật, vàng da.
-
Da: Phát ban, phát ban từng mảng, hoại tử biểu bì nhiễn độc, hội chứng Stevens–Johnson, hồng ban đa dạng, viêm da trốc vảy, hồng ban dạng nốt, viêm mạch mẫn cảm.
-
Thận và tiết niệu: Suy thận cấp, bệnh thận, nhiễm độc thận.
-
Cơ xương và mô liên kết: Huỷ cơ vân.
-
Miễn dịch: Phản ứng phản vệ, quá mẫn.
-
Tăng men aspartate aminotransferase, tăng men amylase máu.
-
Phù mặt, sốt, đau ngực.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Lưu ý
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Chống chỉ định
Thuốc
Cefdinir 125 chống chỉ định trong các trường hợp sau:
-
Mẫn cảm với cephalosporin hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng khi sử dụng
Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefdinir, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicillin hoặc thuốc khác.
Sử dụng thuốc dài ngày có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn và nấm, đặc biệt nhiễm Clostridioides difficile gây tiêu chảy và viêm đại tràng.
Sử dụng thuốc cho đến hết liều điều trị, cho dù các triệu chứng bệnh không còn chỉ sau vài ngày điều trị. Việc ngưng sử dụng thuốc quá sớm có thể làm cho vi khuẩn tiếp tục phát triển, dẫn đến sự tái phát nhiễm khuẩn và sẽ không thể điều trị được với cefdinir hoặc kháng sinh khác.
Thận trọng đối với bệnh nhân suy thận.
An toàn và hiệu quả của cefdinir ở trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa được khẳng định.
Thận trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường và bệnh nhân phenylceton niệu do có chứa aspartam trong thành phần.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Cefdinir có thể gây đau đầu, chóng mặt, cần thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc.
Thời kỳ mang thai
Các nghiên cứu trên động vật thực nghiệm cho thấy cefdinir tương đối an toàn khi sử dụng trong thai kỳ, tuy nhiên chưa có nghiên cứu đầy đủ và được kiểm soát tốt trên phụ nữ có thai, chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Sau khi dùng liều đơn 600mg, cefdinir không được phát hiện trong sữa mẹ. Thận trọng khi sử dụng cefdinir trong thời kỳ cho con bú.
Tương tác thuốc
Nên uống cách ít nhất 2 giờ sau khi uống các chế phẩm kháng acid hoặc chế phẩm sắt vì làm giảm sinh khả dụng khi dùng chung.
Probenecid ức chế thải trừ cefdinir qua thận.
Ảnh hưởng lên các kết quả cận lâm sàng: Kết quả dương tính giả có thể xảy ra khi tìm đường trong nước tiểu với dung dịch Benedict’s, dung dịch Fehling và Clinitest. Phản ứng Coombs trực tiếp dương tính có thể xảy ra.
Bảo quản
Nơi khô, nhiệt độ không quá 30ºC, tránh ánh sáng.
đánh giá nào
Chưa có đánh giá nào.