Thành phần của Thuốc Antacil
Thông tin thành phần |
Hàm lượng |
---|---|
Magnesium Trisilicate |
350-mg |
Kaolin |
50-mg |
Aluminum hydroxide |
250-mg |
Công dụng của Thuốc Antacil
Chỉ định
Thuốc Antacil có tác dụng kháng acid và bao phủ vết loét, được dùng trong điều trị bệnh loét dạ dày, tá tràng, giảm chứng ợ chua, đầy hơi khó tiêu do bệnh viêm loét dạ dày dư acid.
Dược lực học
Về phương diện sinh lý, Magnesium là một cation có nhiều trong nội bào. Magnesium làm giảm tính kích thích của neurone và sự dẫn truyền neurone-cơ. Magnesium tham gia vào nhiều phản ứng men.
Dược động học
Hấp thu
Không hấp thu qua đường tiêu hoá.
Chuyển hoá
Thuốc không chuyển hoá trong cơ thể.
Thải trừ
Thuốc thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.
Cách dùng Thuốc Antacil
Cách dùng
Nhai kỹ viên thuốc trước khi nuốt với một ít nước. Uống sau mỗi bữa ăn 1 – 2 giờ và trước khi đi ngủ.
Liều dùng
Người lớn
Uống mỗi lần 1 – 2 viên, nhai kĩ trước khi nuốt với một ít nước, ngày uống 3 – 4 lần sau mỗi bữa ăn 1 – 2 giờ và trước khi đi ngủ hoặc theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Làm gì khi dùng quá liều?
Quá liều
Gây tiêu chảy do tác dụng của muối magnesi hòa tan trên đường ruột.
Xử trí
Dùng thuốc, hỏi ý kiến bác sĩ.
Làm gì khi quên 1 liều?
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
Tác dụng phụ
Khi sử dụng thuốc Antacil bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR) như:
Gây táo bón hay tiêu chảy do tác dụng trên nhu động ruột của ion Nhôm và Magnesi.
Gây dư thừa acid do làm tăng tiết acid hay dịch trong dạ dày.
Hầu hết các tác dụng phụ chỉ xảy ra khi dùng thuốc trong thời gian dài.
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Lưu ý
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
Chống chỉ định
Không dùng thuốc Antacil cho bệnh nhân suy thận.
Thận trọng khi sử dụng
Các chất kháng acid có thể gây ra “hồi ứng acid” tức là có thể làm tăng tiết acid hay dịch trong dạ dày. Tuy nhiên, hiệu ứng này ít biểu hiện trên lâm sàng, vì nó có thể được bù bởi các hệ đệm trong thuốc kháng acid.
Giảm phosphat huyết: Dùng lâu dài Nhôm hydroxyd có thể gây ra chứng giảm phosphat huyết ở bệnh nhân có nồng độ phosphat huyết bình thường khi lượng phosphat hấp thu không đủ. Trong những trường hợp nặng hơn, chứng giảm phosphat huyết có thể dẫn đến chứng chán ăn, phiền muộn, yếu cơ và xốp xương.
Đối với bệnh nhân suy giảm chức năng thận: Phải đặc biệt chú ý khi dùng >50mEq magnesi mỗi ngày cho bệnh nhân suy thận. Do giảm thải ion Magnesi nên có thể gây tăng magnesi huyết và gây độc. Khoảng từ 5% đến 20% muối magnesi có thể được hấp thu bằng đường uống.
Xuất huyết đường tiêu hoá: Sử dụng Nhôm hydroxyd phải thận trọng với bệnh nhân bị xuất huyết nhiều ở đường tiêu hoá trên.
Dùng lâu dài Nhôm hydroxyd ở bệnh nhân suy thận có thể dẫn đến xốp xương hoặc làm trầm trọng chứng xốp xương. Nồng độ nhôm ở mức cao trong mô làm phát triển các bệnh não và các triệu chứng xốp xương. Một lượng nhỏ nhôm được hấp thụ qua đường tiêu hoá và thải trừ qua thận gây hại thận.
Nhôm kết hợp với albumin và được chuyển đi mà không qua màng thẩm tích, do vậy, nhôm bị tích tụ trong xương và chứng xốp xương có thể nặng thêm khi bệnh nhân suy giảm chức năng thận dùng một lượng lớn nhôm.
Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Thuốc hầu như không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Thời kỳ mang thai
Phụ nữ có thai nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng thuốc kháng acid.
Thời kỳ cho con bú
Đối với phụ nữ cho con bú, các tác hại chưa được chứng minh mặc dù nhôm, calci và magnesi có thể được tiết ra trong sữa, nồng độ không đủ lớn để gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Tương tác thuốc
Thuốc kháng acid làm tăng pH dạ dày, làm thay đổi sự tan rã, sự hoà tan, sự ion hóa của một số thuốc và thay đổi thời gian làm rỗng dạ dày. Làm giảm sự hấp thu các thuốc có tính acid yếu, có thể dẫn đến làm giảm hiệu quả của thuốc (Ví dụ: Digoxin, Phenytoin, Chlorpromazin, Izoniazid). Làm tăng sự hấp thu các thuốc có tính bazơ yếu, có thể gây độc tính hay phản ứng có hại (Ví dụ: Pseudoephedrin, Levodopa).
Thuốc kháng acid hấp phụ hay kết hợp với các thuốc khác trên bề mặt làm giảm sinh khả dụng của các thuốc này (ví dụ Tetracyclin). Magnesi trisilicat và Magnesi hydroxyd có khả năng hấp phụ rất cao, calci carbonat và nhôm hydroxyd có khả năng hấp phụ trung bình.
Thuốc kháng acid làm tăng pH nước tiểu, làm ảnh hưởng đến mức độ bài tiết các thuốc, làm ức chế sự bài tiết của thuốc có tính bazơ (Ví dụ: Quinidin, Amphetamin) và làm tăng cường sự bài tiết của thuốc có tính acid (Ví dụ: Salicylat).
Bảo quản
Để nơi mát, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30⁰C.
Để xa tầm tay trẻ em.
đánh giá nào
Chưa có đánh giá nào.