Ở nước ta, hẹp van tim 2 lá là bệnh lý thường gặp chiếm tỷ lệ hơn 40% các ca bệnh tim mắc phải. Không chỉ gây cảm giác khó thở, nặng ngực, mệt mỏi mà tình trạng bệnh còn có thể tiến triển nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Do đó, rất nhiều người lo lắng không biết hẹp van tim 2 lá có chữa được không.
Bệnh hẹp van 2 lá thường ít biểu hiện triệu chứng nên người bệnh dễ dàng bỏ qua hay cố chịu đựng. Thời gian dài không được chữa trị khiến bệnh có diễn biến nặng hơn. Lúc này, các van tim đã bị biến dạng dần dưới sự tấn công của các phức hợp miễn dịch.
Bệnh hẹp van tim 2 lá là gì?
Trước khi giải đáp vấn đề “hẹp van tim 2 lá có chữa được không?”, cùng tìm hiểu đôi nét về bệnh lý này nhé. Hẹp van tim 2 lá là tình trạng van 2 lá bị tổn thương, không thể mở hoàn toàn khi máu đổ từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Điều này không chỉ cản trở đường lưu thông máu đến động mạch chủ mà còn khiến máu ứ đọng lại tâm nhĩ trái và tuần hoàn phổi. Từ đó làm tăng áp lực lên tâm nhĩ trái, tăng áp động mạch phổi gây khó thở.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp van tim 2 lá như: Sốt thấp khớp, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, dị tật bẩm sinh, vôi hóa van tim, viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống… Là bệnh lý khá nguy hiểm, hẹp van 2 lá đều có thể gây ra những biến chứng cấp tính như: Tăng áp lực động mạch phổi, suy tim, tim to, phù phổi cấp, rung nhĩ và hình thành những cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não.
Hẹp van tim 2 lá có chữa được không?
Hẹp van tim 2 lá có chữa được không là nỗi lo của không ít bệnh nhân mắc phải bệnh lý van tim này. Theo các chuyên gia, việc chữa bệnh còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: Thời điểm phát hiện bệnh, tình trạng và triệu chứng bệnh khi được phát hiện cũng như cách điều trị. Nhưng nhìn chung việc chữa khỏi hoàn toàn hẹp van tim 2 lá thực sự khó khăn. Nhiều người bệnh sau khi áp dụng các phương pháp điều trị kể cả thay van tim vẫn có nguy cơ hẹp van trở lại.
Tuy không thể chữa dứt điểm nhưng việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân hẹp van tim chung sống hòa bình với bệnh và hạn chế gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Nếu để hẹp van tim tiến triển nặng hơn, người bệnh thường phải chịu nhiều khó chịu, đau đớn. Đồng thời, việc điều trị cũng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn so với giai đoạn đầu.
Điều trị hẹp van tim 2 lá
Tùy vào mức độ hẹp của van tim 2 lá và tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp điều trị sau:
Sử dụng thuốc
Để giảm các triệu chứng hẹp van tim và ngăn ngừa biến chứng, một số loại thuốc được chỉ định bao gồm: Thuốc hạ áp, thuốc chữa loạn nhịp tim, thuốc chống đông máu, thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh,…
Tất cả các loại thuốc kể trên đều cần được kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa sau quá trình thăm khám kỹ càng. Nếu gặp các tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc như: Căng thẳng, mệt mỏi, khó thở gia tăng, hãy nhanh chóng thông báo và đến thăm khám bác sĩ.
Phẫu thuật
Với người bệnh hẹp van tim 2 lá nặng, các phương pháp phẫu thuật sau sẽ được cân nhắc thực hiện:
- Nong van: Thường chỉ định cho bệnh nhân dưới 40 tuổi bị hẹp van đơn thuần, các lá van tim chưa tổn thương nhiều.
- Sửa van: Bác sĩ thực hiện loại bỏ mảng sùi loét, vôi hóa, tách lá van bị dính hoặc cắt bỏ mép van thừa để van 2 lá mở ra dễ dàng hơn.
- Thay van: Áp dụng trong trường hợp van tim bị hư hỏng nặng, nong van hoặc sửa van 2 lá cũng không thể khôi phục khả năng đóng mở của van.
Hẹp van tim 2 lá sống được bao lâu?
Bên cạnh thắc mắc hẹp van tim 2 lá có chữa được không, rất nhiều bệnh nhân quan tâm tới vấn đề hẹp van tim 2 lá sống được bao lâu?. Theo nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân hẹp van 2 lá không có hoặc có ít triệu chứng sống sót sau 10 năm ở là hơn 80%. Tỷ lệ này giảm chỉ còn 15% ở các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mà không được điều trị.
Trường hợp hẹp van 2 lá đã có biến chứng suy tim độ 3, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 62%. Nếu người bệnh bị suy tim độ 4, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 15%. Đặc biệt với trường hợp bị tăng áp động mạch phổi nặng, thời gian sống thêm của bệnh nhân không quá 3 năm.
Do đó, để kéo dài tuổi thọ, người bệnh hẹp van tim 2 lá cần điều trị sớm, chủ động theo dõi và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Điều chỉnh lối sống hỗ trợ điều trị hẹp van tim 2 lá
Nhằm hỗ trợ điều trị và đẩy lùi tiến triển của hẹp van tim, người bệnh cũng cần điều chỉnh lối sống phù hợp, cụ thể:
- Có chế độ ăn uống khoa học.
- Hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn, thuốc lá…
- Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm, vệ sinh tốt răng miệng, sử dụng thuốc kháng sinh đầy đủ trước và sau can thiệp phẫu thuật, thủ thuật nha khoa… để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
- Khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm hoặc ngay khi nhận thấy triệu chứng hẹp van 2 lá chuyển biến nặng hơn.
- Dành thời gian từ 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục vừa sức như: Đi bộ, đạp xe, yoga…
Những thông tin hữu ích trên đây chắc hẳn đã giúp bạn trả lời được câu hỏi “Hẹp van tim 2 lá có chữa được không?” cũng như phương pháp điều trị loại bệnh van tim này. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu duy trì lối sống khoa học và tuân thủ đúng phác đồ điều trị bạn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và ngăn ngừa biến chứng hẹp van tim hiệu quả.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp