Sau khi bị viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, nếu không được điều trị triệt để có thể dẫn đến bệnh thấp tim. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây tổn thương van tim (van tim hậu thấp), dẫn đến suy tim và thậm chí là tử vong.
Tổn thương van tim do bệnh thấp tim còn được gọi là van tim hậu thấp tim hay van tim hậu thấp. Đây là một di chứng nguy hiểm có nguồn gốc từ liên cầu khuẩn nhóm A nếu không đước chữa trị đúng cách và triệt để. Ở giai đoạn sớm, bệnh van tim hậu thấp thường không có biểu hiện rõ ràng. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có khả năng để lại những biến chứng nguy hiểm như suy tim, tắc mạch máu và nghiêm trọng nhất là tử vong.
Van tim hậu thấp là bệnh gì?
Bệnh van tim hậu thấp là tình trạng van tim dày lên và bị tổn thương do hậu quả của bệnh thấp tim. Đây là một bệnh tự miễn xuất phát từ nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.
Bệnh van tim hậu thấp bắt đầu với tình trạng viêm họng và thường kéo dài trong khoảng 2 tuần. Cơ thể có thể sản sinh kháng thể chống lại tình trạng nhiễm khuẩn trong thời gian này. Tuy nhiên, vì cấu tạo của van tim và cơ tim gần giống với tế bào vi khuẩn nên hệ miễn dịch thường nhận diện và tấn công nhầm, gây ra tổn thương van tim. Tỉ lệ mắc bệnh này chỉ khoảng 3%, điều này cho thấy chỉ có một số người có cấu trúc kháng nguyên tương tự với cấu trúc tế bào liên cầu khuẩn. Các kháng nguyên khiến hệ miễn dịch nhận diện và tấn công nhầm có cấu trúc như sau:
- Glycoprotein của van tim chứa thành phần hyaluronat giống với hyaluoronat của màng liên cầu khuẩn.
- Màng sợi cơ tim giống với kháng nguyên của màng liên cầu khuẩn.
- Cơ tim có Myosin giống với protein M (độc tố chính của liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A).
Sự tấn công nhầm này của các kháng thể làm các lá van tim dày lên và dính lại với nhau, kết hợp với hiện tượng lắng đọng canxi khiến cho lá van cứng hơn, dẫn đến hẹp, hở van tim. Chính vì thế, có thể nói rằng, một trong những biến chứng của bệnh thấp tim chính là bệnh van tim.
Triệu chứng của bệnh van tim hậu thấp
Các dấu hiệu của bệnh van tim do thấp tim
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh van tim hậu thấp thường là khó thở, xuất hiện chủ yếu khi làm việc nặng hay gắng sức. Bệnh càng nặng thì mức độ khó thở càng nhiều. Với những người phát hiện bệnh trễ, triệu chứng này có thể xuất hiện ngay cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc hoạt động nhẹ nhàng.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể xuất hiện tình trạng ho ra máu. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường khiến bệnh nhân và cả bác sĩ nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác. Do đó, bệnh van tim do thấp tim ít khi được phát hiện sớm, thường phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ở trẻ nhỏ, nếu bị van tim do thấp tim, trẻ sẽ xuất hiện các dấu hiệu như chậm lớn, còi cọc, có nguy cơ gặp các rối loạn về thần kinh, vận động. Cần chú ý các dấu hiệu này ở trẻ để phát hiện bệnh sớm.
Biến chứng có thể xảy ra khi bị van tim hậu thấp
Van tim hậu thấp có thể gây ra cho người bệnh một số biến chứng nặng nề ở não, tim, khớp,… Biến chứng thường gặp nhất của bệnh chính là suy tim. Van tim gặp vấn đề như bị hẹp, hở van tim, dẫn đến hoạt động không đúng cách, làm giảm hiệu quả bơm máu. Để đảm bảo lượng máu để nuôi cơ thể, tim phải co bóp nhiều hơn bình thường, lâu dài khiến trái tim mệt mỏi, yếu dần và cuối cùng là suy tim.
Ngoài ra, van tim hậu thấp còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng như huyết khối, rung nhĩ, viêm nội tâm mạc, áp lực động mạch phổi, suy thận, đột quỵ,…
Phương pháp điều trị van tim hậu thấp
Bệnh van tim hậu thấp rất khó để chữa khỏi hoàn toàn, ngay cả người bệnh đã trải qua phẫu thuật thay van tim thì sau đó vẫn phải dùng thuốc để dự phòng huyết khối và tránh các rủi ro biến chứng. Mục tiêu điều trị khi mắc bệnh van tim hậu thấp đều là cải thiện triệu chứng, hạn chế tiến triển và phòng tránh suy tim. Các biện pháp điều trị có thể là nội khoa hoặc ngoại khoa:
Điều trị nội khoa
Dưới đây là một số nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị van tim do thấp tim:
- Thuốc chẹn beta: Giúp điều trị cao huyết áp, giảm nhịp tim.
- Thuốc ức chế men chuyển ACE: Có tác dụng hạ huyết áp, thư giãn mạch máu, giảm áp lực của máu lên van tim.
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Thuốc chống loạn nhịp tim giúp kiểm soát nhịp tim, giảm tình trạng đánh trống ngực, hồi hộp.
- Thuốc lợi tiểu: Có tác dụng loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, làm giảm các triệu chứng khó thở, ho, phù.
- Thuốc chống đông máu: Có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông trên van tim gây rách van, di chuyển vào mạch máu gây tắc nghẽn mạch.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp thủ thuật, phẫu thuật can thiệp van tim. Phẫu thuật điều trị bệnh van tim hậu thấp có 2 phương pháp chính là tạo hình van và thay van tim. Với trường hợp van tim chỉ bị hẹp đơn thuần, bệnh nhân có thể được chỉ định nong van tim bằng can thiệp mạch qua da.
- Nong van tim: Đây là thủ thuật có độ an toàn cao và chi phí thấp. Với phương pháp này, bệnh nhân không cần phải làm phẫu thuật và thời gian nằm viện ngắn.
- Tạo hình van: Thường được chỉ định đối với những van tim chưa bị tổn thương nặng. Đối với hở van tim. Ưu điểm của phương pháp này là giảm nguy cơ nhiễm trùng van và giảm thời gian sử dụng thuốc chống đông.
- Thay van tim: Đối với những van tim đã tổn thương nặng, không thể áp dụng phương pháp tạo hình van được nữa sẽ được chỉ định thay van tim. Hai loại van tim được thay thường là van tim cơ học và van tim sinh học.
Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về bệnh van tim hậu thấp tim. Đây là một bệnh nguy hiểm, có xuất phát từ nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế, cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, khi xuất hiện bất kì dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp