U tuyến giáp là bệnh gì và có nguy hiểm không? Những điều nên biết về bệnh u tuyến giáp

U tuyến giáp là bệnh gì và có nguy hiểm không? Những điều nên biết về bệnh u tuyến giáp 1

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng đảm nhận vai trò điều khiển các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Chính vì thế, một bất thường dù là rất nhỏ ở tuyến giáp cũng gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trong bài viết này Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc một trong những bệnh tuyến giáp phổ biến đó là u tuyến giáp.

Mỗi khi nhắc đến u tuyến giáp, nhiều người không khỏi lo lắng u tuyến giáp liệu có thực sự nguy hiểm. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn chính xác hơn về căn bệnh u tuyến giáp. Do vậy, hãy theo dõi bài viết này nhé.

Bệnh u tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, đảm nhận vai trò sản xuất, lưu trữ, giải phóng 2 hormon T3 và T4 vào máu, từ đó giúp cho quá trình chuyển hóa cũng như trao đổi chất được diễn ra một cách bình thường. Vậy bệnh u tuyến giáp là gì?

Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, u tuyến giáp xảy ra khi khối mô hoặc tế bào tăng sinh quá mức gây tổn thương dạng khối khu trú tại tuyến giáp. Khối u này không chỉ khiến cho cơ chế hoạt động cũng như chức năng của tuyến giáp bị thay đổi mà còn gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.

Kết quả thống kê chỉ ra rằng, bất cứ ai cũng có thể mắc u tuyến giáp, tuy nhiên tỷ lệ mắc u tuyến giáp ở nữ giới cao gấp khoảng 5 lần nam giới và tỷ lệ này có sự tăng lên theo độ tuổi.

Các khối u tuyến giáp có thể là đơn nhân hoặc đa nhân và ở giai đoạn đầu khối u này có kích thước khá nhỏ dẫn đến người bệnh khó có thể nhận thấy khối u khi sờ bằng tay. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các khối u tuyến giáp đều ở dạng đặc, chỉ có khoảng 15 – 20% khối u ở dạng dịch lỏng. 

Một câu hỏi đặt ra: Bệnh u tuyến giáp có nguy hiểm không?

Trên lâm sàng, u tuyến giáp được phân loại thành 2 loại chính bao gồm u tuyến giáp lành tính và u tuyến giáp ác tính.

  • U tuyến giáp lành tính xuất phát từ lớp tế bào lót mặt trong của tuyến giáp, có khả năng sản sinh ra hormon tuyến giáp với một lượng lớn. Nếu không can thiệp sớm và kịp thời có thể gây cường giáp.
  • U tuyến giáp ác tính có tỷ lệ mắc rất nhỏ nhưng đây là căn bệnh nguy hiểm và có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, u tuyến giáp nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời thì khả năng sống sót vẫn rất cao, lên đến 90%.

Có thể thấy rằng, u tuyến giáp là một trong những bệnh lý có tiên lượng rất tốt. Yếu tố quan trọng quyết định mức độ nguy hiểm của căn bệnh này đó là thời gian và giai đoạn người bệnh phát hiện bản thân mắc u tuyến giáp.

U tuyến giáp là bệnh gì và có nguy hiểm không? Những điều nên biết về bệnh u tuyến giáp 1
U tuyến giáp là một trong những bệnh lý tuyến giáp phổ biến hiện nay

Nguyên nhân gây bệnh u tuyến giáp

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân u tuyến giáp, song một số yếu tố tăng nguy cơ mắc u tuyến giáp phải kể đến như:

  • Di truyền: Tỷ lệ mắc u tuyến giáp của bạn cao hơn người bình thường nếu trong gia đình có thành viên đã từng mắc u tuyến giáp trước đó.
  • Giới tính và tuổi tác: Các thống kê cho thấy nữ giới có tỷ lệ mắc u tuyến giáp cao hơn nam giới ở cùng độ tuổi. Bên cạnh đó, tuổi càng cao, nguy cơ mắc u tuyến giáp càng tăng.
  • Nhiễm chất phóng xạ và chất độc hại: Việc thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại và phóng xạ cũng sẽ gây biến đổi gen, ảnh hưởng đến tính chất cũng như hoạt động của tuyến giáp từ đó làm tăng nguy cơ mắc u tuyến giáp.
  • Thiếu hoặc thừa iod: Trên thực tế, việc bổ sung thiếu hoặc thừa iod đều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tuyến giáp, trong đó có u tuyến giáp. Trường hợp bổ sung quá nhiều iod sẽ gây tình trạng cường giáp và ngược lại nếu không bổ sung đủ iod sẽ gây suy giáp.
  • Mắc các bệnh tuyến giáp trước đó: Những người đang mắc phải các bệnh lý tuyến giáp như nang tuyến giáp, viêm tuyến giáp… có nguy cơ cao mắc u tuyến giáp.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn và suy yếu là một trong những bước đệm để các tác nhân gây bệnh xâm nhập, tấn công và gây bệnh, bao gồm cả bệnh u tuyến giáp.
  • Một số yếu tố khác: Người thừa cân béo phì, thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, lối sống thiếu lành mạnh… cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u tuyến giáp.
U tuyến giáp là bệnh gì và có nguy hiểm không? Những điều nên biết về bệnh u tuyến giáp 2
Thiếu hoặc thừa iod là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u tuyến giáp

Triệu chứng của u tuyến giáp

U tuyến giáp lành tính thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng chỉ rõ ràng khi khối u đã phát triển lớn và xâm lấn cũng như chèn ép các cơ quan lân cận. Lúc này người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với một số triệu chứng như:

  • Xuất hiện khối u ở vùng cổ, có thể nhận biết qua việc quan sát hoặc dùng tay sờ thấy.
  • Khối u chèn ép lên khí quản và thực quản khiến người bệnh cảm thấy khó thở và khó nuốt.
  • Người bệnh có thể có ho khan kéo dài kèm khàn giọng.

Trường hợp khối u tuyến giáp sản sinh quá nhiều hormon tuyến giáp thì người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng của cường giáp như:

  • Hồi hộp, tim đập nhanh;
  • Đau tức ngực, khó thở;
  • Sụt cân;
  • Run tay;
  • Tăng tiết mồ hôi bất thường;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Mệt mỏi và dễ nổi cáu.

Những triệu chứng u tuyến giáp kể trên cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý khác. Do vậy, để được chẩn đoán chính xác cũng như có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả, khi phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể, bạn cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám.

U tuyến giáp là bệnh gì và có nguy hiểm không? Những điều nên biết về bệnh u tuyến giáp 3
Nuốt vướng là một trong những dấu hiệu cảnh báo u tuyến giáp

Phương pháp chẩn đoán và điều trị u tuyến giáp

Chẩn đoán bệnh sớm cũng như có phương pháp điều trị phù hợp giúp mang đến hiệu quả điều trị tối ưu, giúp người bệnh mau chóng hồi phục sức khỏe.

Chẩn đoán u tuyến giáp

Đánh giá ban đầu đối với người bệnh mắc u tuyến giáp bao gồm khai thác tiền sử, khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và siêu âm tuyến giáp để xác định đặc điểm cũng như tính chất của u tuyến giáp.

Sau khi siêu âm phát hiện có u tuyến giáp hay nhân giáp, để tăng độ chính xác cho xét nghiệm tế bào học, bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút tế bào kim nhỏ u tuyến giáp theo hướng dẫn của siêu âm nhằm xác định khối u này là lành tính hay khối u ác tính từ đó có hướng theo dõi và điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm xét nghiệm gen di truyền, siêu âm đàn hồi mô, chụp CT, MRI và FDG – PET/CT.

Điều trị u tuyến giáp

Căn cứ vào kết quả chẩn đoán, xác định được khối u tuyến giáp là lành tính hay ác tính, đặc điểm, tính chất cũng như vị trí của khối u mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu u tuyến giáp được chẩn đoán là u lành tính thì người bệnh hoàn toàn không cần điều trị nếu như khối u nhỏ và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Lúc này, việc người bệnh cần làm là tái khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của khối u. Trong trường hợp khối u lớn, gây chèn ép các cơ quan và ảnh hưởng đến sức khỏe thì người bệnh có thể lựa chọn phương pháp đốt sóng cao tần để thu nhỏ kích thước khối u hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u.

Trong trường hợp u tuyến giáp là ác tính, thì các bác sĩ sẽ cần chẩn đoán thêm để xem xét phương pháp điều trị nào là phù hợp bởi việc điều trị u ác tính khó khăn và phức tạp hơn u lành tính.

U tuyến giáp là bệnh gì và có nguy hiểm không? Những điều nên biết về bệnh u tuyến giáp 4
Phẫu thuật cắt bỏ u tuyến giáp mang lại hiệu quả điều trị cao

Trên đây là những thông tin cơ bản về u tuyến giáp mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn chính xác nhất về căn bệnh u tuyến giáp. Hãy thường xuyên cập nhật những bài viết chăm sóc sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu bạn nhé.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *