Phát hiện và điều trị kịp thời các dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn

Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn 02

Dị tật tim bẩm sinh hình thành khi các tác nhân có hại gây ảnh hưởng đến thai nhi trong thời kỳ mang thai của người mẹ. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh có thể không xuất hiện cho đến tuổi trưởng thành. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn qua bài viết dưới đây nhé.

Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn thường xuất hiện khi vận động bình thường hay quá sức, gây giảm chất lượng cuộc sống chung của bạn.

Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh hay dị tật tim bẩm sinh là tình trạng tim có cấu tạo bất thường, do các tác nhân có hại can thiệp vào quá trình hình thành tim ở tuần thứ 6 – 7 của thai kỳ. Điều này dẫn đến các khiếm khuyết liên quan đến cơ tim, van tim hay buồng tim, gây ảnh hưởng đến hoạt động tim.

Tim hoạt động với chức năng chính là bơm máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể. Khuyết tật về cấu trúc dẫn đến chức năng tim không hoàn thiện, không cung cấp đủ máu giàu oxy cho các cơ quan, hay dòng máu đến các cơ quan đi chậm hoặc sai hướng.

Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn 02
Bệnh tim bẩm sinh làm dòng máu di chuyển không hiệu quả

Phân loại bệnh tim bẩm sinh

Dị tật tim bẩm sinh thường được các bác sĩ chia thành hai loại là tim bẩm sinh có tím và không tím. Trong cả hai loại thì tim của bạn đều không hoạt động bơm máu hiệu quả. Tuy nhiên, ghi nhận thấy nồng độ oxy trong máu bệnh nhân tim bẩm sinh có tím thấp, còn tim bẩm sinh không tím ở mức bình thường.

Biểu hiện bên ngoài của tình trạng nồng độ oxy máu giảm là các triệu chứng như khó thở, da xanh xao và nhợt nhạt. Cơ thể người bị bệnh tim bẩm sinh không tím có thể không biểu hiện ra các triệu chứng này, tuy nhiên vẫn có khả năng phát triển thành các biến chứng như suy tim, đột quỵ,… trong quá trình trưởng thành.

Những dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn

Có thể phát hiện bệnh tim bẩm sinh từ lúc mẹ bầu vừa mang thai, qua các xét nghiệm thai kỳ như siêu âm thai. Cũng có thể phát hiện dị tật tim bẩm sinh ngay khi trẻ vừa chào đời với các triệu chứng như: Nhẹ cân, môi và da xanh xao, trẻ khó thở hoặc nhịp thở không bình thường,…

Tuy nhiên, cũng ghi nhận các trường hợp bệnh tim bẩm sinh không biểu hiện cho đến tuổi trưởng thành, một số dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh chậm bất thường.
  • Hay cảm thấy chóng mặt, dễ ngất xỉu.
  • Mệt mỏi khi vận động, sinh hoạt hằng ngày.
  • Thở khó hay có các bất thường về nhịp thở.
  • Sưng phù lên ở bàn tay hay bàn chân.
Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn 03
Có một số dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn bạn cần lưu ý

Biến chứng của bệnh tim bẩm sinh

Những dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn có thể là nguyên nhân góp phần thúc đẩy các vấn đề sức khỏe trong quá trình bạn trưởng thành. Các biến chứng này có thể xảy ra nhiều năm sau khi bệnh được điều trị.

Các biến chứng của bệnh tim bẩm sinh ở người lớn bao gồm:

  • Nhịp tim không đều: Phần cấu trúc đảm nhiệm chức năng phát nhịp của tim bị lỗi, khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Trong một số ca bệnh, rối loạn nhịp tim nặng có thể gây đột quỵ hoặc đột tử do tim nếu không được điều trị
  • Viêm nội tâm mạc: Là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập vào máu và di chuyển đến lớp đệm bên trong của tim (nội tâm mạc). Nếu không được điều trị, nhiễm trùng tim có thể làm hỏng hay phá hủy van tim gây ra đột quỵ. Để phòng ngừa viêm nhiễm này, việc kiểm tra răng miệng thường xuyên là rất quan trọng. Răng và nướu chắc khỏe là hàng rào bảo vệ không cho vi khuẩn xâm nhập vào máu.
  • Đột quỵ: Dị tật tim bẩm sinh có thể cho phép cục máu đông đi qua tim và di chuyển lên não, làm giảm hoặc chặn dòng máu lên não gây ra đột quỵ.
  • Tăng huyết áp động mạch phổi: Một số dạng dị tật tim bẩm sinh làm tăng lượng máu và áp lực máu đến phổi, gây ra tích tụ máu tại đó.
  • Suy tim sung huyết: Là tình trạng tim không bơm đủ lượng máu cần thiết so với nhu cầu của cơ thể.

Xét nghiệm phát hiện bệnh tim bẩm sinh ở người lớn

Các xét nghiệm có thể được thực hiện để đưa ra kết luận về bệnh tim bẩm sinh ở người lớn và trẻ em bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG).
  • Chụp X-quang ngực.
  • Đo độ bão hòa oxy trong máu.
  • Siêu âm tim.
  • Siêu âm tim qua thực quản.
  • Kiểm tra khả năng vận động.
  • Chụp CT tim và MRI tim.
  • Đặt ống thông tim.

Điều trị bệnh tim bẩm sinh ở người lớn như thế nào?

Các phương pháp điều trị chấm dứt dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn bao gồm thuốc và phẫu thuật.

Thuốc

Một số dị tật tim bẩm sinh ở người lớn mức độ nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc giúp hỗ trợ tim hoạt động tốt hơn. Thuốc cũng có thể được dùng để ngăn ngừa cục máu đông và điều hòa lại nhịp tim không đều.

Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn 04
Việc dùng thuốc có thể giúp điều hòa nhịp tim của bạn

Phẫu thuật và các phương pháp khác

Một số phẫu thuật và phương pháp được dùng để chữa trị dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn:

  • Thiết bị cấy ghép tim: Một thiết bị giúp kiểm soát nhịp tim (máy tạo nhịp tim) hoặc điều chỉnh nhịp tim bất thường nguy cơ đe dọa tính mạng (máy khử rung tim cấy ghép) có thể ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tim bẩm sinh.
  • Phương pháp đặt ống thông: Một ống thông được luồn vào mạch máu, thường là ở háng và dẫn nó đến tim. Đôi khi có nhiều hơn một ống thông được sử dụng. Khi đến tim, các bác sĩ sẽ dùng nó để sửa chữa các khuyết tật tim bẩm sinh.
  • Phẫu thuật tim hở: Khi phương pháp đặt ống thông không thể sửa chữa khuyết tật tim bẩm sinh, phẫu thuật tim hở có thể cần thiết.
  • Ghép tim: Nếu một dạng dị tật tim bẩm sinh quá phức tạp, không thể được sửa chữa, ghép tim có thể được chỉ định nhằm thay thế bằng tim người khỏe mạnh tình nguyện hiến.

Các dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ngay cả khi trải qua điều trị để sửa chữa những khuyết tật lúc nhỏ. Chăm sóc và theo dõi sức khỏe suốt đời là điều rất quan trọng, bao gồm thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm nhằm sàng lọc các biến chứng.

Xem thêm:

  • Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không?
  • Vì sao biểu hiện của bệnh tim giai đoạn đầu thường khó phát hiện?

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *