Những thông tin bạn cần biết về cách điều trị hở van tim 2 lá

Những thông tin bạn cần biết về cách điều trị hở van tim 2 lá 1

Trong tim gồm có các van như van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi hỗ trợ đưa máu đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng hở van tim 2 lá xảy ra, quy trình vận chuyển sẽ gặp phải những khó khăn, tim phải làm việc năng suất hơn, lâu ngày dẫn đến suy tim. Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cách điều trị hở van tim 2 lá.

Hở van 2 lá là bệnh lý khá phổ biến trong các bệnh lý van tim. Tim hở van càng nhiều, suy tim càng nặng, người bệnh sẽ liên tục khó thở, mệt mỏi. Vì vậy nên, việc điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân mau chóng phục hồi khả năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống hơn. Bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ mách bạn cách điều trị hở van tim 2 lá nhé.

Tổng quan về hở van tim

Hở van tim xảy ra khi van tim không đóng chặt theo đúng cách, điều này dẫn đến hiện tượng máu trôi ngược trở lại các khoang trước. Vì vậy, tim phải làm việc vất vả hơn để bù đắp cho lượng máu bị thiếu. Sự quá tải này có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe liên quan đến hệ thống tim mạch, đồng thời có thể đe dọa tới sức khỏe.

Những thông tin bạn cần biết về cách điều trị hở van tim 2 lá 1
Hở van tim là tình trạng van tim không thể tiến hành đóng khiến máu bị trào ngược trở lại

Nguyên nhân gây bệnh hở van tim

Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này không thể bỏ qua như:

  • Yếu tố bẩm sinh: Đây là yếu tố không thể tránh được, thường được phát hiện từ ngay sau khi trẻ mới sinh ra.
  • Quá trình lão hóa: Chức năng làm việc của các van tim suy yếu theo thời gian, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
  • Tình trạng của van tim: Cơ giữ các van bị đứt hoặc giãn bất thường.
  • Các bệnh lý khác: Một số tình trạng bệnh như tăng huyết áp, cholesterol cao, thấp khớp, giãn cơ tim, viêm nội tâm mạc, phình đại động mạch chủ, thiếu máu, và nhồi máu cơ tim có thể tác động tiêu cực, gây ra hiện tượng van tim không đóng kín.

Cách điều trị hở van tim 2 lá

Cách điều trị hở van tim 2 lá cho người bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng diễn tiến của bệnh.

Hở van tim ở giai đoạn nhẹ

  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc như lợi tiểu (furosemide, hydrochlorothiazide, spironolactone), Digitalis, thuốc làm giảm hậu gánh, thuốc giãn mạch nhóm nitrate, thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta giao cảm.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc phù hợp: Điều này bao gồm việc giảm muối, giảm mỡ trong thực đơn, hạn chế tiêu thụ bia rượu và không hút thuốc lá, cũng như tránh lao động quá sức.
  • Tuân thủ liều lượng và chỉ định của bác sĩ: Người bệnh không được ngừng sử dụng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ, nhằm tránh tác động không mong muốn đến phác đồ điều trị cụ thể. Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần tái khám hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

Hở van tim nặng

  • Can thiệp phẫu thuật: Trong trường hợp hở van tim nặng, có nguy cơ suy tim, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định phẫu thuật can thiệp.
  • Sửa van tim: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt hoặc khâu van tim giúp các lá van có thể khép kín với nhau.
  • Thay van tim: Khi phẫu thuật sửa van tim không hiệu quả, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật thay van tim. Van tim bị tổn thương sẽ được thay thế bằng van tim nhân tạo, có thể là van tim cơ học hoặc van tim sinh học.
Những thông tin bạn cần biết về cách điều trị hở van tim 2 lá 2
Đối với người bệnh hở van tim 2 lá nặng cần phải tiến hành phẫu thuật thay van tim

Nên thay van cơ học hay van sinh học?

Trong cách điều trị hở van tim 2 lá, việc chọn lựa giữa van tim sinh học và van tim cơ học đòi hỏi phải xem xét nhiều yếu tố của người bệnh như độ tuổi, bệnh lý đi kèm, sự chống chỉ định sử dụng thuốc kháng đông. Từ đó, các bác sẽ sẽ tiến hành trao đổi với người bệnh. Một số điểm quan trọng trong cách lựa chọn như:

  • Van cơ học: Loại van này được làm bằng kim loại và có tuổi thọ dài, thường từ 20 năm trở lên. Tuy nhiên, người bệnh khi thay van cơ học phải uống thuốc chống đông máu loại kháng vitamin K (như Sintrom, Coumadin) suốt đời giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành huyết khối gây tắc nghẽn van.
  • Van sinh học: Có thể làm từ van tim heo, màng ngoài tim bò hoặc cả van từ cơ thể bệnh nhân. Loại van này sẽ thoái hóa và mất chức năng theo thời gian, ở người trẻ tốc độ thoái hóa sẽ nhanh hơn. Ngày nay đã có những bước tiến trong van sinh học hỗ trợ kéo dài tuổi thọ trung bình từ 10 – 15 năm.
Những thông tin bạn cần biết về cách điều trị hở van tim 2 lá 3
Van cơ học và van sinh học đều sở hữu những ưu – nhược điểm khác nhau

Đối tượng ưu tiên lựa chọn van sinh học

Những đối tượng sau đây có thể xem xét lựa chọn thay van sinh học hơn van cơ học trong cách điều trị hở van tim 2 lá, cụ thể như:

  • Người bệnh ≥ 65 tuổi: Nguy cơ thoái hóa van và cần phải thực hiện phẫu thuật lại van sau 15 năm ở đối tượng này chỉ dưới 10%.
  • Bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng thuốc kháng đông: Những người bị chống chỉ định sử dụng thuốc kháng đông, hoặc sinh sống ở những nơi không có điều kiện để theo dõi đông máu, hoặc bệnh nhân không đồng ý uống thuốc kháng đông lâu dài.
  • Phụ nữ còn trong độ tuổi sinh đẻ: Những người phụ nữ trong độ tuổi sinh con và mong muốn mang thai, không muốn sử dụng thuốc kháng đông trong thai kỳ. Bệnh nhân sau khi thay van sinh học cần phải chấp nhận thực hiện mổ thay van lại sau 5 – 7 năm nếu van bị hư hỏng nặng. Bởi do việc mang thai thường làm cho van sinh học thoái hóa nhanh hơn và dễ hư hỏng hơn so với trạng thái bình thường.

Bài viết trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về những thông tin bạn cần biết về cách điều trị hở van tim 2 lá. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin cần thiết trong việc cân nhắc cách điều trị hở van tim thích hợp với mong muốn của bản thân.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *