Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh và những thông tin quan trọng cần biết

Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh và những thông tin cần biết

Với trẻ sơ sinh, hẹp van tim là một căn bệnh tương đối nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của các bé. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh lý này còn có thể để lại nhiều biến chứng đe dọa nghiêm trọng tính mạng của trẻ. Do vậy, hiểu rõ hơn về hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là điều cần thiết, giúp bố mẹ sớm phát hiện, chữa trị và chăm sóc bé yêu đúng cách, an toàn.

Không ít người bị nhầm lẫn giữa hẹp van tim và hở van tim. Hở van tim là bệnh lý xuất hiện khi cấu trúc này không thể đóng kín như bình thường, khiến máu rò rỉ và quay ngược trở lại buồng tim phía trước. Trong khi đó, hẹp van tim là tình trạng van tim không thể mở ra hoàn toàn gây cản trở quá trình lưu thông máu.

Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?

Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh là tình trạng các lá van không thể mở ra được hết trong quá trình máu lưu thông qua van. Điều này xảy ra là do trong quá trình phát triển bào thai đã gặp các khiếm khuyết khiến các van tim bị thay đổi cấu trúc. Do đó, chúng không còn mềm mại mà trở nên dính lại với nhau hoặc bị dày lên, xơ cứng.

Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh và những thông tin cần biết
Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra ở cả 4 loại van tim

Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra ở cả 4 loại van tim tương ứng với các dạng sau: Hẹp van 2 lá, hẹp van 3 lá, hẹp van động mạch chủ và hẹp van động mạch phổi. Căn cứ vào khả năng mở của van tim, bệnh lý này được chia thành 3 mức độ gồm:

  • Hẹp van tim nhẹ: Diện tích mở van > 1,5 cm².
  • Hẹp van tim vừa: Diện tích mở van 1,0 – 1,5 cm².
  • Hẹp van tim nặng: Diện tích mở van < 1,0 cm².

Nguyên nhân gây hẹp van tim ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây hẹp van tim ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do bẩm sinh. Thường gặp nhất là do bất thường về cấu trúc van 2 lá, van động mạch chủ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cấu trúc tim. Từ đó, ảnh hưởng đến các chức năng và hoạt động của tim.

Ngoài ra, hẹp van tim ở trẻ sơ sinh có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

  • Nếu người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh hoặc bố mẹ mang gen bệnh (dù không phải bị các bệnh lý tim bẩm sinh) thì vẫn có khả năng cao sinh con mắc bệnh hẹp van tim.
  • Trong thai kỳ sử dụng một số loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
  • Sử dụng rượu hoặc ma túy khi mang thai.
  • Thai phụ bị nhiễm virus trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh và những thông tin cần biết 1
Nguyên nhân gây hẹp van tim ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do bẩm sinh

Triệu chứng hẹp van tim ở trẻ sơ sinh thường gặp

Các biểu hiện bệnh hẹp van tim ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Khó thở;
  • Thở nhanh;
  • Bú ít;
  • Bú ngắt quãng;
  • Cữ bú kéo dài.

Khi trẻ lớn thêm vài tháng tuổi sẽ xuất hiện các triệu chứng rõ rệt hơn:

  • Ho nhiều;
  • Thở khò khè;
  • Có biểu hiện của bệnh viêm phổi.

Không chỉ vậy, trẻ bị hẹp van tim thường có da xanh xao, chậm phát triển thể chất, hay vã mồ hôi và tay chân lạnh. Một số trường hợp sẽ dễ quan sát thấy môi, đầu ngón tay và chân của bé chuyển sang tím.

Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh và những thông tin cần biết 2
Các triệu chứng hẹp van tim ở trẻ sơ sinh có thể không biểu hiện rõ ràng

Các triệu chứng hẹp van tim ở trẻ sơ sinh có thể không biểu hiện rõ ràng nên thường gây chậm trễ trong việc phát hiện bệnh. Điều này có thể khiến trẻ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tim đập không đều, quá nhanh hoặc quá chậm thậm chí tử vong.

Điều trị hẹp van tim ở trẻ sơ sinh

Theo thống kê có khoảng 10 – 15% trường hợp trẻ sơ sinh bị hẹp van tim cần được điều trị ngay trong tháng đầu đời bằng các phương pháp sau:

  • Điều trị hẹp van tim bằng thuốc: Điều trị bằng thuốc là phương pháp chủ yếu để điều trị hẹp van tim ở trẻ sơ sinh bởi đây là phương pháp nhẹ nhàng và ít gây tác động nhất. Sử dụng thuốc không thể giúp điều trị bệnh dứt điểm nhưng sẽ hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng, kiểm soát nhịp tim, giảm quá tải cho tim. Đồng thời ngăn ngừa biến chứng và trì hoãn thời gian để can thiệp.
  • Phẫu thuật điều trị hẹp van tim: Với những trường hợp van tim hẹp rất nặng, cơ thể không thể đáp ứng được thuốc hoặc trẻ đã xuất hiện các biến chứng như: Suy tim, phù phổi, tăng áp động mạch phổi… có thể phải tiến hành can thiệp phẫu thuật với các phương pháp: Phẫu thuật nong van tim, phẫu thuật sửa van tim hay phẫu thuật thay van tim.
Hẹp van tim ở trẻ sơ sinh và những thông tin cần biết 3
Trẻ sơ sinh bị hẹp van tim có nguy cơ nhiễm khuẩn tim mạch cao cần chú ý chăm sóc

Vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh hẹp van tim

Trẻ sơ sinh bị hẹp van tim có nguy cơ nhiễm khuẩn tim mạch (viêm nội tâm mạc) cao. Vi khuẩn sẽ từ các vùng khác xâm nhập qua máu vào các khu vực trong tim gây các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng trẻ. Do đó việc vệ sinh răng miệng để phòng tránh các nhiễm trùng răng miệng cho trẻ là hết sức quan trọng.

Trẻ em bị bệnh hẹp van thường cần tăng bữa ăn, vẫn nên cho trẻ bú mẹ cả ngày lẫn đêm bất cứ lúc nào bé muốn. Đồng thời chia các cữ bú mỗi 2 giờ sẽ tốt hơn là cho trẻ ăn bú kéo dài để tránh làm cho trẻ mệt mỏi.

Với trẻ đã được 6 – 12 tháng tuổi việc duy trì một chế độ ăn uống hợp lý đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch nói chung và bệnh hẹp van tim nói riêng. Do đó, cần quan tâm đến thực đơn hàng ngày, cho trẻ ăn dặm 3 bữa/ngày (với trẻ vẫn còn) bú mẹ và 5 bữa mỗi ngày (với trẻ đã ngừng bú mẹ). Đồng thời bổ sung thêm các loại hoa quả tốt cho sức khỏe như: Chuối, cam, đu đủ, xoài…

Trên đây là một số thông tin cơ bản về tình trạng hẹp van tim ở trẻ sơ sinh mang tính chất tham khảo mà nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được theo dõi, chăm sóc một cách khoa học và tuân thủ đúng phác đồ điều trị thì bé hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, tránh được biến chứng nguy hại của hẹp van tim.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *