Vào những ngày nắng nóng, quạt điện hay máy lạnh là những thiết bị không thể thiếu trong gia đình. Tuy nhiên, nếu sử dụng quạt không đúng cách có thể xảy ra một số rủi ro cho sức khỏe như cảm lạnh, liệt mặt và thậm chí là đột quỵ.
Quạt hoặc điều hòa chính là một trong những yếu tố gây ra liệt mặt do phong hàn, đây còn được gọi là liệt dây thần kinh số VII. Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt hàng ngày. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được vì sao nằm sử dụng quạt không đúng cách có thể gây liệt dây thần kinh số VII ngoại biên nhé!
Liệt dây thần kinh số VII là bệnh gì?
Dây thần kinh số VII là dây thần kinh đóng vai trò chi phối, vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số VII có 2 dạng:
- Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên: Tình trạng này còn được gọi là liệt mặt ngoại biên. Dạng này làm mất vận động một phần các cơ của nửa mặt hoặc hoàn toàn, do tổn thương dây thần kinh mặt. Nguyên nhân chủ yếu của dạng liệt mặt mặt này là do bị lạnh hoặc do viêm.
- Liệt dây thần kinh số VII trung ương: Đây là tình trạng liệt mặt do tổn thương liên quan đến não, điển hình do các khu trú trong sọ và có thể gây ra u của hệ thần kinh trung ương, tai biến mạch máu não.
Hầu hết, các trường hợp bị liệt mặt đều có thể phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên cũng đã có một số bệnh nhân phải mang di chứng suốt đời. Bên cạnh đó, liệt mặt thường xảy ra ở một nửa mặt, liệt cả hai bên mặt rất hiếm gặp, chiếm tỉ lệ chỉ 0,3 – 2% các trường hợp bị liệt mặt.
Nguy cơ liệt mặt khi dùng quạt sai cách
Như đã đề cập ở trên, tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên sẽ dễ xuất hiện nếu cơ thể bị lạnh kéo dài hoặc đột ngột, đặc biệt là vùng đầu. Bởi vì đoạn dây thần kinh số VII được nằm trong xương ống đá, không có các cơ che phủ dây thần kinh nên vốn dĩ sẽ dễ lạnh hơn các dây thần kinh khác. Khi gặp gió lạnh từ quạt, dây thần kinh số VII sẽ bị nhiễm lạnh thêm khiến cho các mạch máu bị co thắt lại. Dẫn đến thiếu máu sưởi ấm và nuôi dưỡng, làm cho dây thần kinh bị chèn ép, phù nề và cuối cùng là bị liệt.
Ngoài ra, khi luồng gió từ quạt thổi trực tiếp vào cơ thể với tốc độ lớn và ở khoảng cách gần thì mồ hôi sẽ bốc hơi nhanh, nhiệt độ trên da giảm. Tại vùng cơ thể khuất gió, nhiệt độ trên da cao, mồ hôi sẽ bốc hơi chậm hơn, mạch máu giãn nở khiến bài tiết mồ hôi và tuần hoàn máu bị mất cân đối. Lúc này sẽ dễ khiến cơ thể bị cảm, xuất hiện tình trạng đau và cứng cổ gáy, nhức đầu, thậm chí là trúng gió khiến liệt mặt và méo miệng, nặng hơn chính là tai biến và đột quỵ.
Điều trị khi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên
Khi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, các bác sĩ sẽ tiến hành cho điều trị nội khoa với corticoid liều cao (1mg prednisolon /kg) sau khi đã loại trừ các chống chỉ định (lao, đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, rối loạn tâm thần,…).
Ngoài ra, để có thể phục hồi nhanh và hiệu quả hơn, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phối hợp khác như các bài tập cơ mặt, tập vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt,… Trong đó, phương pháp bấm huyệt có vai trò kích thích từng điểm, từng nhóm cơ trên vùng đầu, cổ, mặt mà dây thần kinh số VII chi phối để điều chỉnh vùng bị liệt. Bác sĩ sẽ tùy theo từng tình trạng của bệnh nhân để xác định chính xác mức độ các nhóm cơ bị yếu, liệt để có thủ thuật phù hợp.
Đối với những bệnh nhân bị liệt mặt nặng và có xuất hiện các di chứng do không điều trị kịp thời, bác sĩ sẽ áp dụng phẫu thuật để tái tạo dây thần kinh mặt với mục đích là lấy lại thẩm mỹ.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng quạt
Dưới đây là một số điều mà bạn cần lưu ý để không gặp phải tình trạng liệt mặt do sử dụng quạt sai cách:
- Không sử dụng quạt khi đang đổ mồ hôi nhiều: Khi mồ hôi ra nhiều, mạch máu ngoài da toàn thân đang giãn nở, đột nhiên bị gió từ quạt thổi tới sẽ co lại, khiến cho việc bài tiết mồ hôi ngưng trệ, gây ra mất cân bằng trong việc tán nhiệt và sinh nhiệt trong cơ thể, rất dễ bị cảm lạnh.
- Không để quạt với tốc độ quá cao: Khi nhiệt độ môi trường cao, gió từ quạt thổi ra cũng là gió ở nhiệt độ cao. Bật quạt ở tốc độ cao nhất sẽ làm cho nhiệt độ bề mặt da giảm, lỗ chân lông bít lại, mồ hôi không thoát ra ngoài, nhưng cơ thể vẫn cảm thấy nóng hơn, dễ dẫn đến mệt mỏi.
- Không để quạt bật thẳng vào người và thổi cố định trên một chỗ: Quạt điện chủ yếu chỉ nên được dùng để tản gió, điều tiết không khí trong phòng, qua đó gián tiếp làm mát. Để quạt thổi thẳng vào người và lâu ở một vị trí rất nguy hiểm, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
- Không để quạt thổi trực tiếp vào đầu, mặt: Đầu là bộ phận rất dễ bị lạnh, để quạt thổi trực tiếp vào đầu, mặt rất dễ gây ra co thắt mạch máu và tê liệt khuôn mặt. Điều này cũng có thể làm thiếu oxy lên não với các biểu hiện như khó thở, nhức đầu, mặt tái nhợt,…
- Không ngồi trước quạt ngay sau khi tắm: Sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể sẽ đang thấp hơn bình thường, ngồi ngay dưới quạt sẽ khiến hoạt động lưu thông máu bị ảnh hưởng, khiến máu lên não chậm, ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Nguy hiểm hơn là có thể gây tai biến, đột quỵ đối với những ai đang có sức khỏe yếu.
- Không uống nước đá khi ngồi quạt: Việc uống nước lạnh khi cơ thể đang nóng có thể khiến khiến dạ dày, ruột bị co thắt. Thêm vào đó, gió của quạt sẽ khiến thân nhiệt xuống thấp, gây cảm sốt, viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp,…
Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về nguy cơ liệt mặt khi dùng quạt sai cách. Mặc dù tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời thì có thể để lại những di chứng sau này. Hi vọng với bài viết trên, bạn sẽ có những kiến thức về sử dụng quạt sao cho không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp