Sán lá phổi là một bệnh nguy hiểm do sán lá thuộc giống Paragonimus sống kí sinh trong màng phổi hoặc phổi gây ra. Đa số người nhiễm bệnh do ăn phải cua, tôm, các loại động vật giáp xác nước ngọt có nhiễm ấu trùng sán lá phổi và chưa được nấu chín. Sán lá phổi có thể xuất hiện một số biểu hiện như ho ra máu, tràn dịch màng phổi.
Không ít địa phương ở Việt Nam như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu,… từng ghi nhận người mắc bệnh sán lá phổi. Những bệnh nhân này thường có thói quen ăn tôm, cua chưa được nấu chín kĩ, chỉ dùng để ngâm, làm gỏi hoặc ăn tái. Sau một thời gian nhiễm sán lá phổi, người bệnh có biểu hiện khó thở, ho, ho ra máu, tràn dịch, tràn khí màng phổi,…
Một số thông tin về sán lá phổi
Dưới đây là một số thông tin sơ lược về đặc điểm hình thể cũng như vòng đời sinh học của sán lá phổi mà bạn có thể tìm hiểu:
Đặc điểm về hình thể
Sán lá phổi là một loài giun dẹp, thuộc loài lưỡng tính, sống kí sinh ở phổi người hoặc động vật. Sán lá phổi có khoảng 40 loài nhưng chỉ hơn 10 loài có khả năng gây bệnh ở người. Ở Việt Nam, loài gây bệnh chủ yếu là Paragonimus heterotremus. Sán lá phổi có thể di chuyển lên hệ thần kinh trung ương, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tiêu biểu nhất là gây viêm màng não.
Sán lá phổi trưởng thành thường có kích cỡ tương đương với hạt cà phê hay đậu phộng nhỏ, dài khoảng 7 – 13 mm, rộng khoảng 4 – 6 mm, màu trắng hồng hoặc đỏ. Trứng sán lá phổi có màu nâu sẫm, hình bầu dục, có nắp, vỏ dày, bên trong chứa phôi, dài khoảng 80 – 120 µm, rộng khoảng 4-8 µm.
Vòng đời
Sán lá phổi đẻ trứng, người bệnh sẽ thải trứng sán qua đờm khi ho hoặc theo phân ra ngoài. Gặp nước, trứng nở ra ấu trùng lông (miracidium), sau đó chui vào ốc tiếp tục qua một số giai đoạn phát triển thành ấu trùng đuôi (cercaria). Tiếp đó, ấu trùng đuôi rời ốc, bơi tự do trong nước, chui vào tôm, cua nước ngọt, rụng đuôi và tạo nang nằm sâu trong thịt và phủ tạng của tôm, cua nhiễm bệnh (ấu trùng nang – metacercaria).
Lúc này, con người hoặc động vật ăn phải cua, tôm có ấu trùng sán mà qua nấu chín kĩ, ấu trùng sẽ theo đó chui vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào nhu mô phổi để làm tổ, một số ít cư trú tại gan, thận, phúc mạc, dưới da, não,… Sau 5 – 6 tuần kí sinh, ấu trùng sẽ phát triển thành sán lá phổi trưởng thành, tiếp tục đẻ trứng và thải ra môi trường. Sán lá phổi có thể tồn tại trong phổi người tới 20 năm.
Biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng mắc sán lá phổi
Tùy theo từng giai đoạn, bệnh nhân mắc sán lá phổi sẽ xuất hiện các biểu hiện khác nhau:
Giai đoạn sớm
Giai đoạn này được tính từ khi nhiễm ấu trùng, cho đến khi sán đẻ trứng đầu tiên, thường kéo dài khoảng 2 – 20 ngày, cũng có thể kéo dài đến 2 tháng. Biểu hiện cụ thể:
- Thời gian ấu trùng di chuyển trong khoang phúc mạc, bệnh nhân có thể thấy đau bụng, đau thượng vị, cũng có thể xuất hiện tiêu chảy.
- Ấu trùng xuyên qua cơ hành, di trú trong khoang màng phổi, người bệnh có thể cảm thấy đau ngực, thường là đau ở hai bên.
- Nếu chụp X-quang phổi khoảng sau khi nhiễm từ 1 tháng trở lên, có thể thấy tình trạng tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi là dịch tiết và bạch cầu ái toan dày đặc.
- Lượng ấu trùng di trú trong nhu mô phổi tăng cao, người bệnh thường có một số biểu hiện giống hội chứng Loeffler như khó chịu, ho khan, đau ngực.
- Một số biểu hiện ít thấy hơn bao gồm sốt nhẹ, đờm có dây máu.
Giai đoạn muộn
Giai đoạn thứ 2 của nhiễm sán lá phổi là thời gian mà sán trưởng thành kí sinh ở phổi. Giai đoạn này có thể kéo dài tới tận 10 năm trước khi sán chết dần.
- Biểu hiện lâm sàng: Ho ra máu tái diễn, chất đờm có màu socola, bao gồm hỗn hợp tế bào viêm, máu, trứng sán phóng ra khi nang bao quanh sán trưởng thành vỡ vào tiểu phế quản. Người gầy sút, kém ăn, khó chịu.
- Biểu hiện cận lâm sàng: Bạch cầu ái toan tăng hoặc không tăng. Chụp X-quang phổi có thể thấy một hay nhiều vị trí sán kí sinh. Xét nghiệm ELISA dương tính với sán lá phổi.
Cách điều trị sán lá phổi hiệu quả
Hiện nay, phương pháp chính điều trị sán lá phổi là sử dụng thuốc. Praziquantel được ưu tiên lựa chọn để chữa bệnh sán lá phổi. Ngoài ra, có thể dùng Triclabendazole. Các thuốc điều trị sán lá phổi nói chung đều xuất hiện một số tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ngủ gà, nổi mẩn ngứa, khó chịu hạ vị, có thể sốt.
Đối với trường hợp điều trị di chứng, sẽ tùy vào biến chứng tại vị trí sán tấn công ở phổi như tràn dịch màng phổi hay u nang, hay các tổn thương ở các bộ phận khác dẫn đến u hạt, áp xe,… bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
Phòng bệnh sán lá phổi
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính vì thế nên hãy chủ động phòng bệnh sán lá phổi cũng như các loại sán khác để hạn chế tỉ lệ mắc bệnh, một số biện pháp cần thực hiện như sau:
- Ăn chín uống sôi, không ăn sống hoặc ăn tái hải sản.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh tay, dụng cụ thường dùng để chế biến tôm, cua, cá sạch sẽ.
- Chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không khạc nhổ nơi công cộng, không đi vệ sinh bừa bãi.
- Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có bất kì biểu hiện nào nghi ngờ mắc bệnh sán lá phổi, cần chủ động đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời và ngăn chặn lây lan bệnh cho người khác.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về bệnh sán lá phổi. Sán lá phổi là một bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, có thể gây ra tràn dịch màng phổi, ho ra máu. Chính vì thế nên hãy tuân thủ các biện pháp phòng bệnh sán lá phổi để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả gia đình, cộng đồng.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp