Trong quá trình sao chép và nhân lên, virus có thể tạo ra một số lỗi gọi là đột biến gene và hình thành nên biến chủng mới. Sự gia tăng nhanh chóng của biến chủng nCoV mới mang tên EG.5 (còn gọi Eris) đã cho thấy rằng, khả năng lây nhiễm và tốc độ lây lan của virus là rất nhanh.
Mặc dù Covid-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố không còn là đại dịch nhưng các biến chủng mới của nCoV vẫn đang tiếp tục xuất hiện. Hiện tại, EG.5 (còn gọi Eris) đã được WHO cảnh báo trên toàn cầu là biến chủng mới đang có tốc độ lây lan nhanh, tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy virus mới gây triệu chứng nghiêm trọng hơn so với chủng cũ.
Biến thể mới của SARS-CoV-2 biến đổi như thế nào?
Về mặt khoa học, virus không phải là một sinh vật sống nên chúng cần có một vật chủ để tồn tại. Khi xâm nhập cơ thể, virus sẽ phân nhánh và nhân bản lên, lan truyền và đột biến. Tuy nhiên, các virus này sẽ có tốc độ biến đổi khác nhau và số lượng virus trong cộng đồng dân cư càng nhiều thì khả năng đột biến càng nhanh.
Các gene của virus thường tạo ra “lỗi sao chép” một cách ngẫu nhiên khi nhân bản lên, dẫn đến sự thay đổi về kháng nguyên hoặc protein bề mặt virus. Hệ miễn dịch của con người dựa vào kháng nguyên để phát hiện và chống lại với virus. Để thích nghi, virus sẽ biến đổi và lẩn tránh khiến hệ miễn dịch khó phát hiện. Hiện tượng này được gọi là “trôi dạt kháng nguyên”, tức virus đã đột biến khác so với biến chủng ban đầu.
Virus cũng có khả năng tái tổ hợp khi nhiều biến chủng lây nhiễm vào cùng tế bào trong cá thể và tạo ra dòng virus mới. Thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, nCoV kém đa dạng về di truyền và ít biến đổi. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm khi số ca nhiễm toàn cầu tăng cao, nCoV có khả năng tái tổ hợp nhiều hơn và dễ phát hiện hơn. Omicron là ví dụ điển hình cho thấy lan rộng nhanh chóng và tích lũy nhiều đột biến đặc trưng. Điều này tạo ra nhiều dòng phụ và biến chủng nCoV mới nhất là EG.5.
Tìm hiểu về biến chủng EG.5 (còn gọi Eris) mới
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chủng EG.5 mới được phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 2 và lan rộng sang Mỹ vào tháng 4. Từ khi xuất hiện, virus nCoV liên tục tiến hóa và biến đổi, tạo ra sự khác biệt so với các biến thể trước. Trong đó, EG.5 là một phân nhánh của biến chủng Omicron, đã phát triển từ biến chủng XBB.1.9.2.
Biến chủng nCoV mới này còn có tên gọi khác là Eris, được lấy theo tên của một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Tên gọi này sử dụng hệ thống chữ cái Hy Lạp được WHO đề xuất để định danh các biến chủng chính. Hệ thống đặt tên này ra đời vì tên khoa học của các biến chủng thường dài và khó nhớ.
Theo thông tin mới nhất từ WHO cho biết, EG.5 vẫn đang tiếp tục tiến triển thêm phiên bản mới là EG.5.1. Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết, hiện tại biến chủng EG.5.1 chiếm khoảng 14% số ca nhiễm tại nước này. Số lượng ca nhiễm EG.5 cũng đang gia tăng ở Mỹ và dần trở thành biến thể chiếm ưu thế trong số các trường hợp nhiễm.
Tiến sĩ Meera Chand, phó giám đốc UKHSA cho biết, biến chủng EG.5.1 được xác định là một biến thể mới vào ngày 31/07 vì chúng đang phát triển và lây lan liên tục ở khắp nơi trên thế giới. Điều này sẽ giúp việc theo dõi và kiểm soát biến thể qua các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
Biến chủng EG.5 có nguy hiểm hơn các biến chủng cũ không?
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy biến thể EG.5 gây ra triệu chứng nặng và được đánh giá là có nguy cơ thấp đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Các số liệu cũng cho thấy tình hình tại Mỹ vẫn không có nhiều khác biệt so với các biến chủng khác của Omicron đã lưu hành trong vòng 3 – 4 tháng qua.
Một số thử nghiệm cho thấy, biến chủng EG.5 có khả năng trốn tránh miễn dịch tốt hơn so với các biến chủng cũ, nhưng không có dấu hiệu gây bệnh nghiêm trọng. Tại Anh, số ca nhiễm nhập viện có xu hướng giảm nhẹ trong các tuần gần đây, đặc biệt là ở nhóm người trên 85 tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá con số này vẫn thấp hơn so với các đợt bùng phát trước. Hiện tại, số ca nhiễm nặng trong khu hồi sức tích cực vẫn không tăng.
Vì EG.5 là một biến thể phụ của Omicron, nên sẽ có nhiều đặc điểm tương đồng với biến chủng này. Các chuyên gia cho biết, hiện tại vẫn chưa nhận thấy bất kỳ triệu chứng mới nào. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, ho liên tục, thay đổi vị giác hoặc khứu giác, sổ mũi, mệt mỏi và đau họng.
Cách bảo vệ bản thân trước biến chủng nCoV mới
Cũng giống như các biến chủng khác của SARS-CoV-2, nguy cơ nhiễm bệnh nặng chủ yếu tập trung ở những người cao tuổi. Cơ quan y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã khuyến nghị rằng, tiêm chủng vẫn là biện pháp tốt nhất để tự bảo vệ trước tình hình dịch trong tương lai. Đối với những người có nguy cơ cao và xuất hiện các triệu chứng, cần đi xét nghiệm sớm để có điều trị kịp thời bằng các loại thuốc kháng virus như Paxlovid để giảm nguy cơ phải nhập viện và tử vong.
Kể từ tháng 6, cả Mỹ và các nhà sản xuất thuốc đã bắt đầu làm việc để phát triển vaccine Covid-19 thế hệ mới, nhằm chống lại các biến thể phụ của Omicron. Chuyên gia cho rằng, các loại vaccine này có khả năng ngăn ngừa cả biến thể EG.5.
Trên đây là bài viết tổng hợp một số thông tin về biến chủng mới của nCoV. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về khả năng biến đổi của các chủng virus và biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như những người xung quanh thật tốt nhé!
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp