Từ xưa đến nay, rất nhiều gia đình có thói quen cho trẻ sơ sinh nằm võng mỗi khi ngủ để giúp em bé ngủ dễ hơn. Tuy nhiên, việc làm này có tốt hay không, liệu trẻ sơ sinh nằm võng có ảnh hưởng đến não không? Dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giải đáp tới bạn đọc thắc mắc này.
Thói quen cho trẻ sơ sinh nằm võng khi ngủ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ như khiến trẻ bị té ngã, mắc hội chứng rung lắc, dễ gây vẹo cột sống, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não. Sau đây là những minh chứng giải đáp cho thắc mắc trẻ sơ sinh nằm võng có ảnh hưởng đến não không?
Trẻ sơ sinh nằm võng có lợi ích gì?
Việc cho trẻ sơ sinh nằm võng có thể mang đến một số lợi ích cho cả bé và bố mẹ. Dưới đây là những lợi ích không thể phủ nhận khi cho trẻ sơ sinh nằm võng:
- Tạo cảm giác thoải mái và an toàn cho bé: Võng thường được làm từ chất liệu mềm mại và thoáng khí, sẽ giúp tạo cảm giác thoải mái và an toàn cho trẻ. Nằm võng giúp trẻ cảm thấy như đang được ôm ấp nên sẽ ngủ ngon hơn.
- Giúp trẻ vào giấc ngủ dễ dàng hơn: Khi trẻ nằm võng thường được đung đưa nhẹ nên sẽ giúp bé thư giãn, dễ chịu và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
- Giúp giảm stress cho trẻ: Cơ chế rung lắc nhẹ và cảm giác an toàn của võng với bé có thể giúp giảm stress cho trẻ sơ sinh và giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Dễ di chuyển đi mọi nơi: Võng có thiết kế nhỏ gọn nên có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong nhà hoặc khi đi du lịch.
Trẻ sơ sinh nằm võng có tác hại gì?
Để trả lời cho câu hỏi trẻ sơ sinh nằm võng có ảnh hưởng đến não không thì Nhà thuốc Long Châu sẽ đưa ra một số tác hại của thói quen này.
Dưới đây là một số tác hại khi cho trẻ sơ sinh nằm võng:
- Trẻ dễ bị té ngã, tổn thương: Nếu không tuân thủ các hướng dẫn và quy tắc an toàn khi sử dụng võng, có thể xảy ra các tai nạn té ngã gây tổn thương hoặc thậm chí tử vong cho trẻ sơ sinh.
- Hạn chế tư thế phát triển: Nằm trong võng quá lâu và quá thường xuyên có thể ảnh hưởng đến tư thế phát triển của trẻ, đặc biệt là tư thế nằm sấp.
- Có nguy cơ nghẹt thở: Nếu cho trẻ nằm võng sai cách, có thể xảy ra tình trạng nghẹt thở hoặc sặc thở cho trẻ.
- Gây phụ thuộc vào võng: Sử dụng võng quá thường xuyên và lâu dài có thể làm bé phụ thuộc quá nhiều vào võng để cảm thấy an toàn và thoải mái. Khi sang môi trường khác bé sẽ không ngủ được.
- Gây hội chứng rung lắc: Việc rung lắc, đu đưa khi trẻ nằm võng có thể gây ra hội chứng rung lắc. Đây là một dạng chấn thương não khá nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não, làm giảm thị lực, gây động kinh, rối loạn ngôn ngữ…
- Hạn chế phát triển cơ bắp: Khi trẻ sơ sinh nằm võng quá lâu, trẻ sẽ không được vận động nhiều, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ bắp cũng như sức khỏe tổng thể của bé.
- Ảnh hưởng tới cột sống của trẻ: Cột sống của trẻ sơ sinh vẫn còn rất mềm nên nằm võng sẽ dễ bị cong, làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chức năng của các bộ phận trong cơ thể.
- Ảnh hưởng tới hệ thần kinh của trẻ: Nằm võng nhiều khiến trẻ không có cơ hội học và rèn luyện các kỹ năng trườn bò, bé lật, cầm nắm đồ vật… Bên cạnh đó, việc nhận thức và tiếp thu của trẻ cũng bị kém đi.
Trẻ sơ sinh nằm võng có ảnh hưởng đến não không?
Như vậy, với những tác hại kể trên, chắc hẳn các bậc phụ huynh cũng đã tự tìm được câu trả lời cho thắc mắc trẻ sơ sinh nằm võng có ảnh hưởng đến não không?
Nếu để trẻ sơ sinh nằm võng nhiều và sai cách thì sẽ có nguy cơ cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí não của trẻ, đồng thời gây ra nhiều tác hại không mong muốn. Chính vì thế, bố mẹ nên loại bỏ thói quen cho trẻ sơ sinh nằm võng ngủ.
Những điều cần lưu ý khi cho trẻ nằm võng ngủ
Khi cho trẻ nằm võng ngủ, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần tuân thủ các quy tắc và lưu ý sau đây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé:
- Chọn loại võng an toàn: Bố mẹ cần đảm bảo rằng võng được làm từ chất liệu an toàn, không có các phần nhọn hoặc các thành phần gây nguy hiểm cho trẻ. Cần chọn những loại võng chính hãng và đáng tin cậy.
- Đặt võng ở nơi an toàn: Chọn vị trí đặt võng an toàn, không có nguy cơ gây nguy hiểm, tai nạn cho bé. Tránh để võng quá cao hoặc ở gần các nguồn lửa, điện, hoặc các thiết bị điện tử.
- Tuân thủ đúng hướng dẫn lắp đặt: Nếu bố mẹ là người lắp đặt võng, hãy tuân thủ đúng theo hướng dẫn lắp đặt từ nhà sản xuất để đảm bảo việc lắp đặt chính xác và an toàn.
- Không đung đưa và rung lắc võng: Trong thời gian dài hoặc quá mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ.
- Chỉ nên để trẻ nằm ngủ trên võng ở giấc ngủ ban ngày: Không được để trẻ ngủ xuyên đêm trên võng.
- Sử dụng miếng lót hoặc chiếu chuyên dụng: Để tránh trẻ bị ra mồ hôi và cong vẹo cột sống thì bố mẹ nên sử dụng các miếng lót hoặc chiếu chuyên dụng đặt trên võng cho bé nằm.
- Không treo võng ở quá cao: Tránh treo võng quá cao để tránh được nguy cơ trẻ không may bị ngã xuống từ độ cao lớn.
- Có sự giám sát liên tục: Bố mẹ và người chăm sóc luôn luôn giám sát bé khi bé nằm trong võng. Không để bé ở một mình trong thời gian dài.
- Đặt bé nằm trong tư thế thoải mái: Đảm bảo bé nằm thoải mái và an toàn trong võng, đặt thêm gối hoặc chăn để hỗ trợ bé nếu cần thiết.
- Hạn chế thời gian nằm trong võng: Không nên để bé nằm trong võng quá lâu và quá phụ thuộc vào võng. Cần cho trẻ ngủ ở nhiều môi trường khác nhau như trên giường, trong nôi cũi…
- Không để đồ chơi nhiều trong võng: Nếu sử dụng đồ chơi treo võng để bé chơi, hãy chọn các đồ chơi có kích thước nhỏ và an toàn, không nên đặt quá nhiều đồ chơi để tránh nguy cơ sự cố.
- Không sử dụng võng cho bé đã lớn: Khi bé lớn và có khả năng di chuyển hoặc bò, thì bố mẹ cần ngừng sử dụng võng để tránh nguy cơ trẻ nghịch ngợm bị té ngã, gây tai nạn thương tâm.
Hy vọng rằng những chia sẻ trên của Nhà thuốc Long Châu đã giúp các bậc phụ huynh giải đáp được thắc mắc trẻ sơ sinh nằm võng có ảnh hưởng đến não không cũng như nắm được những ưu nhược điểm của thói quen này. Mong rằng qua bài viết, các bố mẹ đã có thêm kiến thức để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp