Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chăm sóc trẻ

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh 1

Cơ thể trẻ sơ sinh vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và phát triển, hệ tiêu hóa của các bé cũng không ngoại lệ. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh có thể gây ra sự khó chịu, đau đớn và ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng của bé. Việc hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của tình trạng sẽ giúp mẹ chăm sóc bé đúng cách hơn khi bị trào ngược dạ dày thực quản.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh, từ nguyên nhân phổ biến đến những biểu hiện thường gặp, áp dụng các biện pháp điều trị bệnh hiệu quả, giúp bé yêu của bạn có thể thoải mái và phát triển khỏe mạnh hơn.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày thực quản là thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng dịch chuyển ngược từ dạ dày vào thực quản, bao gồm các thức ăn, không khí, dịch dạ dày và muối mật. Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra ở hầu hết các bé, biểu hiện là tình trạng nôn trớ sau khi bú hoặc ăn. Trẻ sơ sinh từ 2 đến 6 tháng tuổi thường hay bị trào ngược dạ dày nhất, sau đó sẽ giảm bớt khi bé 7 tháng tuổi. Khoảng 85% trẻ khỏi trào ngược dạ dày thực quản sau tháng thứ 12 và khoảng 95% số trẻ khỏi bệnh sau tháng thứ 18.

Đối với trẻ sơ sinh, hệ tiêu hóa còn đang phát triển, do đó, cơ chế đóng mở van giữa dạ dày và thực quản vẫn chưa hoàn thiện. Điều này dẫn đến việc sữa, thức ăn dễ dàng quay trở lại lên thực quản, thậm chí có thể trào ngược lên miệng.

Vì thế, trào ngược dạ dày thực quản rất hay gặp ở trẻ sơ sinh nhưng phần lớn các trường hợp đều không ảnh hưởng đến sức khỏe và không cần xét nghiệm hay sử dụng thuốc điều trị. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận một số rất ít các trường hợp bé bị trào ngược dạ dày thực quản do dị ứng thức ăn, liệt dạ dày nhẹ,… nên phụ huynh cũng không nên hoàn toàn chủ quan.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh 1
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh

Một số triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Trớ nhiều, ợ nước: Một trong những dấu hiệu rõ rệt của trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản là lúc bé trớ nhiều sữa ra miệng sau khi ăn hoặc kèm theo tiếng ợ nước.
  • Khó tiêu: Trẻ thường có cảm giác đầy bụng hoặc khó chịu sau khi ăn, biểu hiện là việc trẻ buồn bực, gắt gỏng sau khi ăn hoặc không muốn ăn, từ chối bú mẹ.
  • Tiếng “khò khè cần cổ”: Trẻ có thể ho, có tiếng “khò khè” tái đi tái lại hoặc đôi khi tiếng thở rít.
  • Sưng phồng bụng: Trẻ có thể có biểu hiện sưng phồng bụng, và thường khóc nhiều do cảm giác đau đớn ở bụng.
  • Khóc ngay sau khi ăn: Trẻ sơ sinh bị trào ngược thực quản thường có thể khóc đau hoặc quấy khóc ngay sau khi ăn. Điều này do sự trào ngược của dịch dạ dày gây ra kích ứng và viêm nhiễm thực quản, khiến bé cảm thấy khó chịu khi thức ăn tiếp xúc với thực quản.
  • Tăng cân chậm: Một số trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp vấn đề trong việc tăng cân và phát triển, do việc nôn mửa và khó tiêu làm tiêu hóa bị ảnh hưởng.
  • Thay đổi tâm trạng và giấc ngủ: Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản thường có thể thay đổi tâm trạng, dễ cáu gắt và khó ngủ hơn các trẻ khác.
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh 2
Bé có thể quấy khóc do khó chịu ở thực quản

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh thường không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý nên thông qua các cách chăm sóc hằng ngày, phụ huynh cũng có thể giúp bé cải thiện tình trạng này.

Thay đổi cách cho bé bú

Khi bạn cho bé bú quá nhiều trong một lần, lượng sữa có thể vượt quá dung tích của dạ dày và gây trào ngược dạ dày. Hãy chia nhỏ các lần bú cũng như bữa ăn trong ngày, các lần bú nên cách nhau ít nhất 2 tiếng rưỡi để đủ thời gian cho dạ dày làm trống trở lại, từ đó giảm áp lực dạ dày và hạn chế được tình trạng trào ngược. 

Nếu bé đang tăng cân nhanh và đã trên 1 tháng tuổi, bạn cũng có thể giảm lượng sữa (giảm khoảng 30ml so với một lần bú thông thường). Ngoài ra, mẹ cũng nên vỗ ợ hơi cho trẻ sau khi bú để loại bỏ không khí trẻ đã nuốt vào, tránh được nguy cơ trớ sữa.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh 3
Vỗ ợ hơi để loại bỏ không khí bé nuốt vào khi bú

Điều chỉnh đúng tư thế

Sau khi cho bé ăn hoặc bú xong, hãy giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng trong vòng 30 phút, tránh nằm hay ngồi, tránh đè ép lên bụng của trẻ. Khi ngủ, nên để trẻ nằm ngửa và kê cao đầu giường hơn một chút. Không để trẻ nằm sấp hay nghiêng người sang bên trái để tránh nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ.

Nếu đã áp dụng các biện pháp thay đổi trong cách chăm sóc trẻ nói trên mà tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh vẫn không thuyên giảm hay thậm chí xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như nôn ói, quấy khóc lâu không dứt, bỏ bú,… thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị chuyên sâu.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh là tình huống phổ biến, không gây nguy hiểm đến sức khỏe nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Với sự quan tâm và chăm sóc đúng cách, bạn có thể giảm các triệu chứng trào ngược, giúp bé thoải mái hơn. Hy vọng với những thông tin về trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và đem đến sự chăm sóc tốt nhất cho bé yêu nhà bạn.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *