Suy dinh dưỡng khi mang thai: Mẹ phải làm sao?
Làm sao để biết suy dinh dưỡng khi mang thai?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cuối thai kì mẹ cần phải tăng cân được 12kg trở lên. Số cân nặng này chia cho bào thai, rau thai, nước ối, và máu hết 7.5kg, 5kg còn lại được chuyển vào mô mỡ dự trữ để tiết sữa nuôi con. Nếu mẹ không tăng hơn 12kg trong thời kì mang thai thì sau sinh khi sinh trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng và mẹ ít sữa, mất sữa sớm, không có sữa để nuôi con.
Một cách dễ dàng hơn là dựa vào các thông số như vòng bụng, chiều dài, cân nặng, trong mỗi kì khám thai, bác sĩ có thể sớm phát hiện bé có bị suy dinh dưỡng bào thai hay không. Đó là trong quá trình mang thai chúng ta dựa vào cân nặng và vòng bụng của mẹ để nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng hay không. Chính xác hơn nếu bé sinh đủ tháng mà nặng dưới 2,5kg thì được xem là bị suy dinh dưỡng khi mang thai.
Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng khi mang thai?
Khi nhắc đến suy dinh dưỡng chúng ta đều nghĩ ngay trong đầu về chế độ dinh dưỡng. Nguồn dinh dưỡng của mẹ sẽ theo máu qua rau thai đến cung cấp cho con. Vì vậy, khi có thai người mẹ vừa ăn cho mình, vừa ăn phần cho con. Chế độ dinh dưỡng không chỉ chú ý đến lượng ăn cho no mà còn bao gồm cả chất ăn sao cho bổ. Ví dụ như bữa nào mẹ cũng ăn no nhưng bữa ăn không đa dạng các nhóm chất cần thiết thì trẻ sinh ra vẫn đủ kí nhưng lớn lên sẽ không cao, không thông minh.
Thứ hai là do tầm vóc, chiều cao của người mẹ sẽ quyết định tầm vóc, chiều cao của con. Tầm vóc phụ thuộc vào tuổi của mẹ lúc đang mang thai. Mẹ mang thai ở tuổi 30 trở đi không những ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, mà còn có thể vì tuổi quá lớn vẫn sinh con dễ đẻ ra những đứa trẻ không bình thường.
Tiếp theo là do mẹ mắc các bệnh khi mang thai. Ví dụ như bệnh cúm, sốt phát ban, bệnh nhiễm khuẩn cấp, viêm gan thì mẹ phải chữa hết bệnh mới nên có thai, bởi vì nếu sức khoẻ mẹ không tốt mà sinh con ra con sẽ bị suy dinh dưỡng, bị dị tật bẩm sinh. Đặc biệt lưu ý, nếu mẹ bị bệnh giang mai, bị nhiễm AIDS thì phải đi khám sức khoẻ, nếu thực sự con sinh ra không bị lây truyền thì bạn hãy lên kế hoạch mang thai.
Cuối cùng do trong quá trình mang thai mẹ đã làm việc quá sức. Khi mang thai mẹ phải dành phải dành thêm một phần năng lượng cho sự phát triển của thai nhi và dự trữ sữa cho con bú sau này. Mẹ làm việc càng nhiều càng nặng khiến mẹ không đủ năng lượng để cung cấp cho thai cũng như để dự trữ sữa cho con sau này, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng khi mang thai.
Mẹ nên làm gì khi mẹ bị suy dinh dưỡng khi mang thai?
Để cấu tạo khung xương cơ thể của trẻ được khỏe mạnh mẹ cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng có trong các nhóm chất đạm, béo, đường bột, vitamin và khoáng chất. Những chất này còn xây dựng các hệ thống não thần kinh trung ương, tim, gan, phổi, bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu,…
Nên hạn chế việc sinh ở tuổi 30 trở đi, độ tuổi lý tưởng là 26 – 29. Trong quá trình mang thai không nên làm việc quá sức, tránh làm việc nặng nhọc. Thường xuyên đi bộ, tập thể dục, trò chuyện với con. Nếu trong quá trình mang thai mẹ hay khóc, hay buồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con về trí tuệ, vóc dáng.
Bác sĩ khuyên không nên đợi đến khi có thai mới đặt vấn đề chăm sóc sức khoẻ, mà việc này được làm sớm hơn ngay từ khi còn là một bé gái. Việc bảo đảm ăn uống đủ chất để cơ thể phát triển cân đối, tầm vóc cao khỏe có như vậy mới có được một thế hệ tương lai khỏe mạnh hơn.
Tình trạng suy dinh dưỡng mang thai không chỉ thể hiện sức khỏe của thai nhi không tốt mà còn là tình trạng sức khỏe của mẹ cũng không được ổn định. Để phòng thai nhi trong bụng bị suy dinh dưỡng, ngay từ những ngày đầu mang thai, mẹ nên tham khảo các thực phẩm dinh dưỡng tốt cho thai kỳ, ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lí. Việc đi khám thai định kì là việc không thể bỏ qua, bởi chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới cho bạn biết chính xác tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất để bạn có một thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh.
Trường Quyên
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.