Một số dị tật bẩm sinh thường gặp ở thai nhi
Dị tật bẩm sinh ở thai nhi là điều không ai mong muốn, tuy nhiên vẫn có một trường hợp xuất hiện dị tật ở thai nhi và gây ra nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Vậy các dị tật bẩm sinh ở thai nhi bao gồm các loại nào? Làm sao để phòng ngừa những loại dị tật này? Lời khuyên cho mẹ bầu có thai nhi bị tật bẩm sinh? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
Hội chứng Down ở thai nhi
Hội chứng Down là một tình trạng bất thường trong di truyền gây ra sự phát triển không bình thường về trí tuệ khi trẻ sinh ra. Hội chứng này thường ảnh hưởng tới vận động và học tập ở trẻ khi lớn lên. Rối loạn này còn được gọi là “tam nhiễm sắc thể 21”, tức là thừa một nhiễm sắc thể số 21.
Hội chứng Down xảy ra phần lớn ở mẹ bầu lớn tuổi.
Bất kỳ người phụ nào cũng có thể sinh con có dị tật bẩm sinh này. Tuy nhiên, nguy cơ sinh con mắc phải hội chứng Down tăng lên theo độ tuổi của người mẹ. Trung bình cứ 900 – 1000 thai nhi thì có 1 thai nhi mắc hội chứng Down.
Cho tới thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có biện pháp điều trị cho tình trạng rối loạn di truyền này ở thai nhi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể khắc phục các vấn đề về sức khỏe của thai nhi hoặc khi trẻ đã chào đời như: giảm thính lực hay thị lực.
Sứt môi và hở hàm ếch
Đây cũng là một trong những dị tật bẩm sinh của thai nhi và có ảnh hưởng rất lớn về thẩm mỹ cũng như sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sau này.
Theo các bác sĩ thì môi của thai nhi được hình thành từ tuần thứ tư đến tuần thứ bảy của thai kỳ. Và hiện tượng sứt môi và hở hàm ếch xảy ra khi các mô cấu tạo nên môi không được kết hợp hoàn toàn trước khi sinh, điều này dẫn tới có một lỗ hở ở môi trên.
Cho tới nay, nguyên nhân của hiện tượng dị tật bẩm sinh này vẫn chưa được biết rõ nhưng các nhà khoa học đã phát hiện các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển dị tật này đó chính là từ bệnh lý hoặc lối sống không lành mạnh của người mẹ (hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc tiểu đường).
Tim bẩm sinh
bệnh tim bẩm sinh cũng là một trong những dị tật rất nguy hiểm ở thai nhi và sau khi chào đời. Khi thai nhi mắc phải căn bệnh này thì có thể dẫn tới cấu trúc hoặc sự hoạt động của tim xảy ra một cách bất thường.
Căn bệnh này có thể diễn biến từ nhẹ (chẳng hạn như có một lỗ nhỏ trong tim) đến nặng (chẳng hạn như các bộ phận của tim thiếu sự phát triển).
Theo thống kê, cứ 4 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh thì có 1 trẻ rơi vào vào tình trạng nguy kịch. Và khi trẻ có diễn biến nặng nguy kịch thì cần được phẫu thuật hay can thiệp ngay trong những năm đầu đời.
Không có hậu môn (khuyết hậu môn)
Đây là dị tật rất hiếm gặp ở thai nhi với tỷ lệ chỉ là 1/5.000. Thai nhi không có hậu môn mà thay vào đó là lớp da mỏng bịt kín lỗ hậu môn hoặc do đoạn nối giữa đại trực tràng và hậu môn không phát triển.
Tình trạng này cần phải được can thiệp và điều trị ngay lập tức, nếu không sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và thậm chí là tính mạng của trẻ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện ra mối liên quan khi mẹ bầu bị nhiễm trùng, sử dụng thuốc bừa bãi hoặc bị nhiễm phóng xạ với nguy cơ thai nhi mắc dị tật này.
Dị tật ở tay hoặc ở chân thai nhi
Dị tật ở tay chân thai nhi có thể là: thai nhi bị thiếu ngón, chân tay dị dạng, tay khoèo, cứng khớp. Nguyên nhân có thể là do mẹ đã tiếp xúc với một số loại hóa chất độc hại trong thai kỳ hoặc bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn khi đang mang thai.
Với những trẻ sinh ra có khiếm khuyết ở tay chân cần được can thiệp y khoa sớm nhất có thể để làm tránh ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, vận động của như mặt thẩm mỹ của trẻ.
Phòng ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi
Một số dị tật thai nhi có thể phòng ngừa từ sớm, nếu mẹ biết được những biện pháp khoa học và hữu ích dưới đây:
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong thai kì nhất là axit folic trong 3 tháng đầu mang thai giúp ngăn ngừa nhiều dị tật liên quan thai nhi.
- Kiểm soát đường huyết tốt trong suốt thai kỳ: Tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng các nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi và đồng thời gây ra biến chứng nghiêm trọng cho người phụ nữ.
- Duy trì mức cân nặng hợp lý: khi giữ được mức cân nặng phù hợp trong thai kỳ thì nguy cơ mắc những dị tật bẩm sinh cũng sẽ giảm xuống và cũng giúp cho sức khỏe của mẹ bầu được tốt hơn.
- Ngăn ngừa các nhiễm trùng có thể mắc phải, nếu sốt hoặc mắc nhiễm trùng thì phải điều trị kịp thời.
- Tránh sử dụng đồ uống có cồn.
- Hạn chế hút thuốc.
- Không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự chỉ định của bác sỹ.
- Khám thai định kỳ theo sự hướng dẫn của bác sỹ: có thể giúp phát hiện và can thiệp kịp thời những dị tật ở thai nhi.
Bổ sung axit folic trong khi mang thai giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh.
Dị tật bẩm sinh ở thai nhi gây ra nhiều hậu quả rất lớn tới sự phát triển tâm lý, thể chất và trí não của trẻ. Do đó, mẹ bầu cần luôn quan tâm và chú ý tới sức khỏe của mình trước khi và trong quá trình mang thai. Chúc cho mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ bầu và thai nhi nhé!
Lâm Khuê
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.