Tầm soát đái tháo đường thai kỳ là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc thai kỳ để phát hiện sớm và kiểm soát bệnh đái tháo đường cho bà bầu. Bài viết sau của Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ thông tin về khi nào cần thực hiện tầm soát đái tháo đường thai kỳ?
Bệnh đái tháo đường thai kỳ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và thai nhi. Để đối phó với tình trạng này, việc tầm soát đái tháo đường thai kỳ có vai trò thiết yếu trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Vì sao khi mang thai cần tầm soát đái tháo đường thai kỳ?
Đái tháo đường thai kỳ là một loại đái tháo đường phát triển trong thai kỳ và thường tự giảm đi sau khi sinh. Bệnh này xuất hiện do tăng kháng insulin trong cơ thể mẹ, làm mức đường huyết tăng cao.
Tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, gây ra nhiều vấn đề như tăng cân không kiểm soát, nguy cơ về hậu sản và nguy cơ cao cho thai nhi bị bệnh sau khi sinh. Cụ thể như sau:
- Nguy cơ cho sức khỏe của mẹ: Bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể gây gia tăng đáng kể mức đường huyết trong cơ thể mẹ và nhiều vấn đề về sức khỏe như tăng cân quá mức, tăng huyết áp và nguy cơ bệnh tim mạch.
- Tác động xấu đến thai nhi: Mức đường huyết cao trong cơ thể mẹ có thể vượt qua dây rốn và ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Thai nhi có thể phát triển quá lớn gây khó khăn trong quá trình sinh.
- Nguy cơ cao sau khi sinh: Các phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường tuýp 2 sau khi sinh. Việc tầm soát sớm giúp phát hiện bệnh và giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Phát hiện sớm và quản lý tốt bệnh: Việc tầm soát đái tháo đường thai kỳ giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó đưa ra kế hoạch quản lý chặt chẽ nhằm kiểm soát mức đường huyết, giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ
Có một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Do đó, họ thường được khuyến nghị thực hiện tầm soát đái tháo đường thai kỳ để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ:
- Có người trong gia đình bị tiểu đường: Nếu có người thân trong gia đình (cha, mẹ, anh, chị hoặc em) mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ tăng lên do yếu tố di truyền.
- Bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước: Nếu đã từng mang thai và mắc đái tháo đường thai kỳ trước đó, nguy cơ tái phát trong thai kỳ này tăng cao.
- Khả năng sinh con to (trên 4kg): Nếu thai nhi có cân nặng dự kiến trước khi sinh lớn hơn 4kg thì sẽ có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.
- Tiền căn lưu thai hoặc sinh con dị tật: Các vấn đề về thai lưu đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ hoặc thai nhi có dị tật, đặc biệt là liên quan đến hệ tiết niệu và tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ ở mẹ.
- Sảy thai liên tiếp: Có nhiều lần sảy thai liên tiếp (3 lần trở lên) có thể tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.
Khi nào cần thực hiện tầm soát đái tháo đường thai kỳ?
Với những tác động nghiêm trọng của tiểu đường thai kỳ mang lại, việc tầm soát là không thể thiếu. Các mẹ bầu cần lưu ý để thực hiện tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào các thời điểm phù hợp.
Lần khám thai đầu tiên – Đánh giá nguy cơ
Ngay từ buổi khám thai đầu tiên, các chuyên gia sản khoa sẽ đánh giá nguy cơ mắc đái tháo đường ở từng người. Điều này cực kỳ quan trọng để xác định xem liệu rằng bạn có cần thực hiện quá trình tầm soát đái tháo đường thai kỳ hay không.
Mẹ bầu không có yếu tố nguy cơ – Đo đường huyết lúc đói
Nếu bạn không có yếu tố nguy cơ, bước đầu tiên sẽ là kiểm tra đường huyết khi đói. Nếu kết quả không ổn định (cao hơn 92mg/dL), bạn cần tiến hành thử nghiệm đo đường huyết sau khi dung nạp đường vào giai đoạn thai từ 24 đến 28 tuần.
Mẹ bầu có yếu tố nguy cơ – Tầm soát sớm và định kỳ
Nếu bạn có yếu tố nguy cơ, quy trình tầm soát đái tháo đường thai kỳ bắt đầu từ buổi khám thai đầu tiên hoặc trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ngay cả khi kết quả đo đường huyết là bình thường, tầm soát cần được lặp lại khi thai từ 24 đến 28 tuần.
Tóm lại, chính trong khoảng thời gian từ tuần mang thai thứ 24 đến 28, tầm soát đái tháo đường thai kỳ là cần thiết nhất. Lúc này, hệ thống nội tiết tiết ra nhiều hormone kích thích sản xuất đường huyết, việc dự trữ đường trong cơ thể giảm nên ảnh hưởng đến sự duy trì đường huyết.
Quy trình tầm soát đái tháo đường thai kỳ thế nào?
Tầm soát tiểu đường thai kỳ được thực hiện bằng phương pháp dung nạp glucose đường uống để đánh giá khả năng cơ thể xử lý đường huyết. Đặc biệt, việc này cần được áp dụng đối với tất cả các sản phụ trong khoảng thời gian từ tuần 24 đến 28 của thai kỳ.
Cách thực hiện tầm soát
Xét nghiệm tiểu đường thường được tiến hành vào buổi sáng, khi bà bầu chưa ăn uống gì hoặc sau ít nhất 8 giờ không ăn. Trước xét nghiệm ba ngày, bạn nên tiếp tục duy trì chế độ ăn tinh bột như bình thường.
Đầu tiên, kỹ thuật viên sẽ lấy một mẫu máu để xác định mức đường huyết khi đói. Tiếp theo, sản phụ sẽ uống một lượng 200ml nước có hỗn hợp 75g glucose trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 phút.
Lúc này, bạn nên tránh hút thuốc, ăn uống nước ngọt hoặc vận động mạnh. Sau 1 – 2 tiếng kỹ thuật viên sẽ tiến hành lấy thêm hai mẫu máu để kiểm tra đường huyết.
Kết quả đánh giá
Kết quả bình thường của xét nghiệm glucose đường uống là:
- Khi đói: Kết quả dưới 92mg/dL (5,1mmol/L).
- Sau 1 giờ uống glucose: Dưới 180mg/dL (10mmol/L).
- Sau 2 giờ uống glucose: Dưới 153mg/dL (8,5mmol/L).
Tiểu đường thai kỳ được xác định nếu có ít nhất hai mẫu máu đo đường huyết bằng hoặc cao hơn ngưỡng giới hạn nêu trên. Trong trường hợp chỉ có một mẫu máu vượt ngưỡng, thường được gọi là rối loạn dung nạp đường trong thai kỳ.
Như vậy, Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ tới bạn đọc những thông tin hữu ích về tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Đây là một việc làm vô cùng cần thiết giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường và đảm bảo sức khỏe tốt cho cả mẹ và thai nhi mà mẹ bầu không nên bỏ qua.
Xem thêm:
- Cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà chi tiết
- Bị tiểu đường thai kỳ có nên uống sữa tươi không đường không?
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp