Trẻ bị đau mắt đỏ phải chăm sóc như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ là do nhóm virus Adenovirus, đôi khi còn do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu hoặc phế cầu gây ra. Thời gian bệnh thường bùng phát thành dịch nhiều nhất là những tháng cuối hè đầu thu. Nhìn chung, ai cũng có thể là đối tượng mắc bệnh tuy nhiên số lượng trẻ bị đau mắt đỏ chiếm tỷ lệ lớn hơn hẳn. Bởi vì hệ miễn dịch của các bé còn yếu đồng thời trẻ hay có thói quen đưa tay lên mắt mũi hơn người lớn nên virus, vi khuẩn gây bệnh dễ tấn công bé hơn. Hiện nay chưa có thuốc nào đặc trị được căn bệnh này. Đặc biệt khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ thì việc chăm sóc sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình lành bệnh.
Trẻ bị đau mắt đỏ cần được vệ sinh mắt thường xuyên
Với những trẻ bị đau mắt đỏ cha mẹ cần lau rửa dử, ghèn cho mắt ít nhất 2 lần/ngày. Nên dùng tăm bông hoặc khăn mềm ẩm. Sau khi dùng tăm bông cần vứt ngay đi, nếu dùng khăn ẩm cần giặt thật sạch sau mỗi lần sử dụng. Tốt nhất nên luộc khăn với nước sôi hòa cùng vài hạt muối để diệt khuẩn. Bên cạnh đó cần nhỏ nước muối sinh lý 0,9% hoặc dùng loại thuốc nhỏ mắt đặc trị cho trẻ bị đau mắt đỏ.
Nếu không bị bệnh cha mẹ vẫn phải vệ sinh mắt mỗi ngày cho bé. Nhất là những bé đã đi nhà trẻ, mẫu giáo thậm chí lên tới tiểu học mỗi ngày đều tiếp xúc với rất nhiều bạn bè nên nguy cơ lây bệnh càng cao. Buổi tối trước khi đi ngủ hãy nhỏ nước nhỏ mắt cho bé.
Tránh để bụi bẩn vào mắt
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, giác mạc của bé rất yếu và dễ bị tổn thương. Do đó cần hạn chế cho bé tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Cần người bên cạnh không để bé lấy tay dụi lên mắt. Khi đi ra ngoài cần đeo kính cho bé. Thêm nữa, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nhãn khoa để chọn loại kính phù hợp với thị lực của bé.
Hạn chế tối đa nguy cơ đau cả 2 mắt
Thông thường, người bị sưng đau mắt đỏ chỉ phát bệnh ở 1 bên mắt. Trong sinh hoạt hàng ngày không biết giữ gìn khiến virus, vi khuẩn lây lan gây bệnh cho mắt còn lại. Vậy nên nếu thấy con mới bị đau 1 bên mắt hãy cố gắng hạn chế tối đa mắt còn lại cũng bị đau. Vì vậy, khi bé bị đau một mắt, bạn không dùng 1 lọ nước nhỏ mắt cho cả 2 bên mà cần có 2 lọ riêng. Đồng thời không để bé dụi tay vào cả 2 mắt. Trước và sau mỗi lần vệ sinh mắt cho con cha mẹ cần rửa tay thật sạch với xà phòng diệt khuẩn.
Tăng cường dinh dưỡng
Nếu có sức đề kháng tốt trẻ sẽ nhanh khỏi bệnh đau mắt đỏ hơn. Trẻ cần được cách ly với bạn bè, người thân, cho bé nghỉ ngơi trong phòng sạch sẽ, thoáng khí và hạn chế ánh sáng mạnh. Hãy cho bé ăn nhiều rau xanh, thịt gà, thịt lợn, thịt bò, không ăn đồ tanh (tôm cá, mực, cua,…). Không để trẻ ăn nhiều gia vị nhất là đồ ăn có vị cay. Nên để bé uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.
Làm được những điều trên trẻ bị đau mắt đỏ sẽ sớm lành bệnh và không lây nhiễm cho những người xung quanh.
Huyền Trang
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.