Tìm hiểu về hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ em
Hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ em khá phổ biến, đặc biệt là trong những tháng đầu đời của trẻ. Thông thường dạ dày của trẻ co bóp và giúp cho cơ thực quản dưới (phần nối với dạ dày) co lại giúp đóng kín dạ dày. Nhưng trong trường hợp đoạn dưới của thực quản dãn rộng hơn bình thực quản thì có thể gây nên tình trạng bệnh trào ngược dạ dày.
Các nguyên nhân gây nên hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ em trong đó phải kể đến những nguyên nhân chính như:
- Dạ dày của trẻ em vẫn chưa được phát triển một cách hoàn chỉnh như ở người lớn. Dạ dày của trẻ nhỏ và nằm ngang, thường cao hơn so với người lớn nên rất dễ gây ọc sữa, trào ngược.
- Tại các cơ thắt ở đầu dạ dày thường chỉ mở ra khi có thức ăn và sẽ tự động đóng lại khi dạ dày co bóp. Ở trẻ hoạt động này chưa thực sự ổn định vì thế thức ăn rất dễ bị trào ngược lên trên thực quản.
- Thức ăn của trẻ nhỏ cũng thường ở dạng lỏng nên nó rất dễ lọt ra ngoài.
- Trẻ nhỏ thường nằm nhiều nên thức ăn ứ lại dạ dày lâu hơn và dễ gây trào ngược hơn.
Bên cạnh đó, hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ em cũng có thể là do một vài bệnh lý gây nên như viêm ruột, dị ứng đạm sữa bò hay nhiễm trùng…
Các triệu chứng thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em
- Trẻ ọc sữa nhiều đôi khi còn ọc qua mũi và miệng.
- Trẻ có xu hướng quấy khóc vô cớ, thường biếng ăn cũng như quấy đêm nhiều hơn.
- Trẻ suy dinh dưỡng, tăng cân chậm, thiếu máu.
- Nếu như trẻ lớn hơn thì có cảm giác bị đau xương ức cũng như ợ nóng vô cùng khó chịu.
- Ba mẹ cũng có thể nhận biết hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ em qua việc trẻ thở khò khè, ho nhiều, hay viêm phổi, đôi khi khó thở tới mức tím tái…
Chăm sóc điều trị bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em
Mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ để giúp dạ dày của trẻ có thể thích nghi dần dần.
Với những trẻ còn đang bú mẹ thì tư thế cho trẻ bú là vô cùng quan trọng. Nên để đầu trẻ cao 30 độ so với mặt phẳng. Lúc này thực quản sẽ cao hơn dạ dày chính vì thế có thể hạn chế được tình trạng trào ngược. Khi trẻ nằm ngủ mẹ cũng có thể cho trẻ nằm kê cao đầu 30 độ so với mặt giường.
Khi trẻ bú xong nên vác đứng trẻ để sữa có thể xuống nhanh dạ dày, đồng thời dùng tay vỗ nhẹ vào lưng trẻ cho tới khi bé ợ hơi được thì cho trẻ nằm xuống giường mặt phẳng.
Hạn chế tối đa các hành động gây áp lực lên ổ bụng như: mặc quần áo hay quấn tả lót quá chặt, tránh khói thuốc lá và khói bếp…
Nếu như mẹ đã áp dụng tất cả những cách trên mà hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ em vẫn không giảm thì nên nhanh chóng đưa trẻ tới gặp bác sỹ.
Diệu Linh
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.