Những điều cần biết về chương trình tiêm chủng mở rộng viêm não nhật bản
1. Thực trạng bệnh viêm não Nhật Bản
Tháng 2 vừa qua, tại hội nghị phòng chống dịch khu vực miền Bắc do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, trong các bệnh viêm não/màng não do vi rút, viêm não Nhật Bản B chiếm tỉ lệ đáng kể.
Đặc biệt giai đoạn 1991-1995 số ca mắc viêm não Nhật Bản B chiếm 61,3% trong tổng số các ca viêm não do vi rút. Tỷ lệ này hiện giảm xuống còn 10-15 %, sau khi triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng (từ 1997).
Hàng năm nước ta ghi nhận tầm khoảng 1.000 ca mắc viêm não virus thì gần 10% có nguyên nhân do viêm não Nhật Bản. Bệnh lý này gặp nhiều nhất vào tháng 6 – 7 với gần 60% ca mắc được ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc. Đối tượng mắc chủ yếu là tầm khoảng từ 1-10 tuổi; hầu hết các trường hợp mắc không rõ tiền sử tiêm chủng.
2. Chương trình tiêm chủng mở rộng viêm não nhật bản cho trẻ từ 6-15 tuổi
Trong khi đó, hiện Dự án tiêm chủng mở rộng mới đang thực hiện tiêm chủng miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ 1 – 2 tuổi. Để phòng bệnh chủ động, không bỏ sót nhóm tuổi còn lại ở các vùng có nguy cơ cao, củng cố miễn dịch cộng đồng, trong năm 2017 – 2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai đợt tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật bản B cho trẻ em 6 – 15 tuổi.
Đợt tiêm này thực hiện làm 3 vòng (mỗi trẻ 3 mũi theo định kỳ) tại 28 huyện thuộc 16 tỉnh nguy cơ cao. Theo đó, huyện được coi là có nguy cơ cao khi có ít nhất một trong số các tiêu chí: tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B dưới 80% ; huyện có tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản B từ 1/100.000 dân trở lên; huyện có ca tử vong do viêm não Nhật Bản B.
Đối tượng được tiêm là trẻ từ 6 – 15 tuổi chưa được tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản hoặc không rõ tiền sử tiêm. Ước tính có khoảng gần 180.000 được tiêm đợt này.
Chiến dịch này được tổ chức riêng còn trẻ trong lứa tuổi 1 – 2 ở các địa phương vẫn được tiêm miễn phí theo lịch hàng tháng như hiện nay.
3. Tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng mở rộng viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não nhật bản có lây không?Bệnh không lây từ người qua người mà qua loại muỗi đốt truyền từ động vật, người nhiễm bệnh sang người lành, vì thế giải pháp tốt nhất là nên tiêm chủng. Viêm não Nhật Bản là bệnh có biến chứng nguy hiểm, với khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.
Bệnh lây truyền qua muỗi đốt, nhất là vào mùa hè có quả chin tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Để phòng bệnh chủ động, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất. Cụ thể, trẻ cần tiêm mũi đầu tiên khi được 1 tuổi; mũi hai sau mũi một 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai một năm.
Cần lưu ý, phải tiêm đủ 3 mũi hiệu lực bảo vệ mới đạt 90 – 95%. Còn nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%.
Dự kiến tổng liều vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng viêm não nhật bản là 576.335. Riêng nguồn ngân sách từ trung ương cho hoạt động này ước 7,163 tỷ đồng (chi cho vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn).
Thanh Hiền
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.