Nguyên nhân trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
1. Nguyên nhân trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Dạ dày bé chưa sẵn sàng để thực hiện đúng chức năng
Thực quản nối miệng và dạ dày của trẻ có một van điều khiển ở vòng thực quản dưới. Khi bé bú, vòng này ở ra cho phép sữa đi qua rồi đóng lại để giữ sữa trong dạ dày. Ở trẻ sơ sinh, chiếc vòng thực quản này chưa được hoàn thiện làm cho axit và sữa trong dạ dày có thể trào ngược lên trên thực quản, khiến trẻ quấy khóc và khó chịu. Bên cạnh đó, thời điểm này dạ dày của con còn nằm ngang và khá cao so với người lớn. Đây là nguyên nhân trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh, tạo cơ hội cho hội chứng trên xuất hiện.
Hệ tiêu hóa còn non nớt
Bác sĩ Trương Mỹ Nhân – giảng viên bộ môn Dinh Dưỡng Trường Đại học Y dược tại TP HCM: “Những ngày đầu đời, men lactase trong hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động ở ngưỡng 70%, men pepsin là 50% cònmen enterokinase là 25%. Tức là hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn này rất nhạy cảm nên khả năng hấp thu dưỡng chất trong sữa còn hạn chế. Từ đó, gây nên tình trạng trào ngược dạ dày thực quản và nó cũng là nguyên nhân trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh”
Sau lầm của cha mẹ
Hầu hết trẻ bị nôn là do bố mẹ cho con bú quá nhiều mà khi vừa cho bú xong thì lại đặt trẻ nằm xuống. Những sai lầm đó gây nên chứng trào ngược dạ dày (trớ sữa). Tuy nhiên, nếu tình trạng của bé cứ kéo dài sẽ dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày.
2. Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh khi mắc chứng trào ngược thực quản có biểu hiện lặp lại, tái diễn một hoặc tất cả những triệu chứng sau:
- Nôn ói, trớ lượng lớn ở các bé dưới 2 tháng tuổi
- Ho
- Nghẹn, khó bú, từ chối bú mẹ hay bú bình
- Thở khò khè
- Tăng cân chậm hoặc sụt cân
- Bé có triệu chứng đau bụng
3. Biện pháp phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
Từ các nguyên nhân trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh trên, cha mẹ nên biết một số nguyên tắc phòng ngừa bệnh cho bé như sau:
Đối với trẻ bú mẹ:
Mẹ nên cho con bú bầu vú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, mẹ có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, mẹ hãy chuyển bé sang bú bầu bên phải (lúc này dạ dày con đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa mẹ sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược. Lưu ý, không nên cho trẻ bú quá lâu, chỉ nên trung bình 10 phút cho vú thứ nhất và 20 phút ở vú thứ hai, bú trên 30 phút không có lợi cho trẻ (gây triệu chứng nuốt hơi, mệt, rối loạn thèm bú hay ghiền vú, chênh lệch thời gian bú).
Đối với trẻ bú bình:
Cha mẹ hãy luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su luôn đầy sữa. Không nên giữ bình sữa nằm ngang trong khi bú để tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa. Nhất là, không để trẻ nằm bú vì tư thế này khiến trẻ rất dễ bị sặc và trớ sữa. Sau khi con bú xong, không đặt bé nằm ngay cũng không đùa giỡn, tâng bổng lên xuống.
Giúp bé ợ hơi trong trong hoặc sau khi bú
Các cha mẹ nên làm điều này sau khi con bú hết một bên ngực hoặc bú hết 50 ml sữa trong bình. Cách thực hiện đơn giản: mẹ cho bé ngồi thẳng trên đùi, để bé hơi ngả người ra trước rồi dùng 1 tay đỡ cằm, tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng. Với cách làm trên, bé sẽ ợ hơi dễ dàng, tránh khó chịu sau khi bú xong. Bạn cũng nên sử dụng gối dành cho bé bị trào ngược dạ dày để giúp bé hạn chế tình trạng này.
Cha mẹ nên chú ý một số nguyên nhân trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh để từ đó có biện pháp phòng ngừa bé kịp thời. Vừa là để đảm bảo sự phát triển toàn diện của con vừa là tránh những biến chứng đáng tiếc nhé.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.