Gợi ý cách chăm sóc khi trẻ mọc răng biếng ăn
Thông thường, trẻ 5 tháng đến 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc răng. Lúc này, bé sẽ có những biểu hiện như sưng nướu, chảy dãi, ngứa nướu, sốt, tiêu chảy, biếng ăn,… Tùy vào từng bé mà có trẻ sẽ có biểu hiện này, có trẻ thì lại xuất hiện triệu chứng khác. Tuy nhiên, tình trạng biếng ăn, bỏ bú ở trẻ lúc mọc răng là thường thấy. Điều quan trọng phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ để cơ thể trẻ vẫn luôn khỏe mạnh vượt qua cột mốc quan trọng này.
Dấu hiệu khi trẻ mọc răng biếng ăn
Tình trạng biếng ăn xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ nên phụ huynh cần biết một số dấu hiệu phân biệt biếng ăn do mọc răng hay do vấn đề sức khỏe khác. Khi trẻ mọc răng biếng ăn sẽ đi kèm với các biểu hiện như:
- Lợi của trẻ bị sưng đỏ và mẹ hoàn toàn có thể nhận ra được bé có đang mọc răng hay không bằng mắt thường.
- Tuyến nước bọt tiết nhiều nước dãi hơn để làm mát và làm dịu nướu đang bị sưng của trẻ nên bạn sẽ thấy bé chảy dãi nhiều hơn bình thường.
- Vùng da quanh cằm, miệng có thể nổi ban đối với một số trẻ có làn da mẫn cảm.
- Trẻ bị sốt cao, tiêu chảy khi mọc răng.
- Bé thường vô thức đưa tay lên miệng, nhất là chỗ phần lợi sưng. Hoặc bé có thể ngậm bất cứ thứ gì bé cầm trên tay.
- Ở một số bé còn xuất hiện các dấu hiệu không điển hình như mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ, dễ bị kích động, bứt rứt khó chịu…
Khi trẻ nhỏ mọc răng, tất cả những điều khó chịu ở cơ thể đều có thể khiến bé biếng ăn. Và còn tồi tệ hơn nữa nếu bé không được chăm sóc đúng cách.
Bé mọc răng lười ăn bao lâu?
Trẻ mọc răng biếng ăn khiến bố mẹ lo lắng vì kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, nhiều phụ huynh thắc mắc bé mọc răng lười ăn bao lâu.
Theo các chuyên gia cho biết, việc bé mọc răng lười ăn bao lâu tùy thuộc vào mỗi bé; có bé sẽ lười ăn trong suốt thời gian răng nhú lợi cho tới khi răng mọc lên và cũng có những bé chỉ chán ăn trong vài ngày là hết. Trong giai đoạn này, mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc bé nhưng hãy thật kiên nhẫn để hiểu được tình trạng của con thì mẹ sẽ cảm thấy bớt áp lực hơn.
Khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng, để răng nhô ra khỏi lợi thì lợi buộc phải bị nứt ra, lúc này nó sẽ tạo cảm giác đau cho bé. Nướu sưng lên, một số bé sẽ bị viêm vì vậy mà bé thường quấy khóc và không muốn ăn là điều dễ hiểu. Phụ huynh nên tìm cách giảm đau khi trẻ mọc răng và để tình hình răng lợi đã định hình thì con sẽ trở lại ăn uống bình thường.
Trẻ mọc răng nên ăn gì và không nên ăn gì?
Việc bỏ ăn kéo dài quả thực sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng và chậm phát triển. Nhưng mẹ hoàn toàn có thể can thiệp vào việc này để nhịp ăn uống của trẻ quay lại bình thường
Khi trẻ mọc răng biếng ăn, các mẹ nên lưu ý những điều sau:
- Mẹ nên nấu các món cháo ăn dặm dạng lỏng cho bé như: cháo, canh, súp,… để bé bớt phải nhai và dễ nuốt. Mẹ cũng có thể chia nhỏ và tăng số bữa ăn trong ngày.
- Ở giai đoạn mọc răng, trẻ rất cần nhiều canxi nên các mẹ cần lưu ý bổ sung các thực phẩm có hàm lượng canxi cao cho trẻ. Thực phẩm giàu canxi gồm có cá, tôm, đậu phụ,… hay các loại hoa quả như: quất vàng, cam, dâu, mít, kiwi,…
- Bổ sung kẽm và selen giúp trẻ tạo cảm giác ngon miệng khi ăn, cải thiện vị giác tăng cường sức đề kháng, chống oxy hóa.
- Không nên cho con ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh, vì những thức ăn quá nóng hay lạnh sẽ không tốt cho sự phát triển của răng trẻ.
- Đừng quên cho bé uống sữa (sữa mẹ, sữa tươi hoặc sữa công thức) và các loại nước trái cây để bổ sung vitamin cần thiết.
Hy vọng những thông tin trên đây sẽ cho bạn thêm những kinh nghiệm hay khi chăm sóc trẻ mọc răng biếng ăn. Phụ huynh nên lưu ý là dù trẻ mọc răng nanh, răng hàm hay răng cửa… thì đều có thể bị biếng ăn nên mẹ không nên lo lắng quá nhiều về việc bé mọc răng lười ăn bao lâu mà trong giai đoạn này, cần tập trung bổ sung dinh dưỡng và chăm sóc bé thì tình trạng này sẽ sớm qua đi.
Thụy Anh
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.