Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Những kỹ năng nhất định phải rèn cho con

Giao Duc Hoa Nhap Cho Tre Tu Ky Nhung Ky Nang Nhat Dinh Phai Ren Cho Con Zxwyn 1522426633

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Những kỹ năng nhất định phải rèn cho con

Lên cơn, phá phách hay ăn vạ vô cớ là biểu hiện thường thấy ở trẻ tự kỷ. Điều này bắt nguồn từ việc trẻ không hoặc rất kém khả năng giao tiếp, tương tác và thể hiện ý muốn của mình. Gần như tất cả trẻ tự kỷ đều không thể tự lập sớm như các trẻ bình thường khác. Nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, cơ may để trẻ tự kỷ hòa nhập với xã hội và trở thành con người thành đạt là rất thấp.

Để giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ, bố mẹ cần kiên nhẫn và yêu thương con vô điều kiện. So với trẻ bình thường, trẻ tự kỷ khiếm khuyết rất nhiều kỹ năng sống. Do đó, việc bổ sung kỹ năng cho con là việc làm tối quan trọng nếu cha mẹ muốn con thu hẹp khoảng cách với bạn bè.

Kỹ năng vận động

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Những kỹ năng nhất định phải rèn cho con 1
Để giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ cần để bé vận động càng nhiều càng tốt.

Kỹ năng vận động là những hoạt động của cơ thể để đáp ứng lại kích thích từ môi trường bên ngoài. Kỹ năng này được chia là 2 nhóm: vận động thô và vận động tinh. Kỹ năng vận động tinh là những cử động đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Kỹ năng vận động thô mạnh mẽ và dùng nhiều sức hơn.

Phần lớn trẻ tự kỷ nhẹ có khả năng vận động thô điển hình như bé chạy nhảy rất nhiều nhưng không có những cử chỉ khéo léo. Tuy nhiên, có những trẻ mắc tự kỷ nặng hoàn toàn không thể vận động và sống như người thực vật.

Muốn giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ trước tiên cần để con vận động được. Các bài tập thường dùng như mát xa, vận động cơ hàm – lưỡi – miệng (vận động nhai), cho tới rèn sức khỏe sức bền qua các môn thể thao.

Kỹ năng giao tiếp

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Những kỹ năng nhất định phải rèn cho con 2
Rèn kỹ năng giao tiếp cho con tự kỷ là việc cực quan trọng.

Thiếu sót điển hình nhất ở người tự kỷ là kỹ năng giao tiếp rất kém. Trẻ thường không nhìn thẳng vào mắt người đối diện, không tập trung vào cuộc nói chuyện, nói những từ vô nghĩa hoặc thậm chí không thể nói.

Có những trẻ bị tử kỷ nặng lên 4 – 5 tuổi vẫn chưa thể phát âm bi bô. Lúc này cha mẹ cần phải dùng mọi cách dạy trẻ tự kỷ tập nói như: phát âm, đánh vần, ghép vần, nói thành câu hoàn chỉnh và hiểu từ theo nghĩa ẩn dụ.

Kỹ năng tự phục vụ

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ: Những kỹ năng nhất định phải rèn cho con 3
Dạy trẻ những kỹ năng phục vụ bản thân cơ bản.

Tự phục vụ là những kỹ năng để trẻ có thể chăm sóc chính mình mà không phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Ví dụ: bé cần được rèn tập ăn uống (tập nhai, tập tự bỏ thức ăn vào miệng, tự cầm thìa,…), tập ngủ nghỉ đúng và đủ giờ, tự đi vệ sinh, làm vệ sinh cá nhân đơn giản (rửa mặt, đánh răng,…), tự thay quần áo,…

So với 2 kỹ năng trên, kỹ năng này sẽ khó rèn cho con hơn. Bạn cần kiên nhẫn cho con thực thành mỗi ngày, lồng ghép vào các trò chơi như chăm sóc cho búp bê, gấu bông,…

Kỹ năng giữ an toàn

Đây cũng là một trong những kỹ năng cần thiết để giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Nhiều trẻ đã có khả năng giao tiếp nhưng không phân biệt được ai là người có thể nói chuyện, ai không an toàn và cần tránh xa. Bạn có thể hướng dẫn bé cách nhận ra người quen bằng cách yêu cầu người đó đọc chính xác số điện thoại của bố mẹ (trẻ tự kỷ có khả năng nhớ con số khá tốt). Nhắc nhở bé không đi theo người lạ mặt, không đi phương tiện công cộng vào buổi tối. Tránh giúp đỡ người không quen biết.

Ngoài ra, cũng cần cho bé biết những nơi không an toàn như ổ cắm điện, ấm nước đang sôi, bồn nước nóng,… Có những phần da trên cơ thể trẻ tự kỷ bị mất cảm giác có khi nước sôi đổ vào chân bé cũng không cảm nhận được. Do đó, nếu chưa có các bài tập trị liệu để kích thích xúc giác thì bạn nên đặt vùng không an toàn và yêu cầu con tránh xa.

Huyền Trang

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *