Vắc-xin HPV là gì? Đối tượng nào nên tiêm?
Tất cả nữ giới trong độ tuổi từ 9 đến 26 đều được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung (HPV) càng sớm càng tốt. thậm chí đã từng quan hệ tình dục hoặc đã nhiễm virus HPV.
Vắc-xin HPV là gì?
Vắc-xin phòng HPV là vắc-xin giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung và u nhú bộ phận sinh dục, sùi mào gà do Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Hiện nay ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ và là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ trên toàn thế giới.
Virus HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục: vùng tiếp xúc da với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc trực tiếp với dương vật, tử cung, âm đạo hay hậu môn của những người bị nhiễm bệnh. Hôn hoặc chạm vào bộ phận sinh dục của đối tác bằng miệng cũng có thể lây truyền virus HPV.
Ngoài ra, virus này còn có thể lây truyền không qua đường tình dục như dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót… HPV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh và gây ra đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung, tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để chị em phụ nữ chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Vì sao cần tiêm phòng ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh xuất hiện ở phần nối giữa tử cung và âm đạo của phụ nữ, tại đây hình thành một khối u lớn, phát triển một cách nhanh chóng và khó kiểm soát. Qua nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung đều có sự hiện diện của nhóm HPV nguy cơ cao.
Phát hiện bệnh càng muộn thì khả năng chữa khỏi càng thấp. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn IV, tế bào ung thư đã di căn ra ngoài vùng chậu, đến các bộ phận gần đó như bàng quang, trực tràng, hoặc có thể xâm lấn các cơ quan xa như phổi, gan, xương… Lúc này, việc điều trị trở nên phức tạp, chi phí tốn kém, thời gian sống giảm đi, khả năng khỏi bệnh rất thấp, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Theo thống kê, mỗi ngày tại Việt Nam có thêm 14 ca bệnh mới và có 7 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung.
Đối tượng nào nên tiêm phòng HPV?
Hiện nay Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng ACIP (Advisory Committee on Immunization Practices) thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ CDC (Centers for Disease Control and prevention) đã đưa ra các khuyến cáo:
Độ tuổi tiêm phòng vacxin thường quy cho cả trẻ em gái lẫn trẻ em trai được thực hiện ở tuổi 11 hoặc 12, cũng có thể bắt đầu tiêm phòng khi trẻ lên 9 tuổi; đối với nữ giới có thể kéo dài thời gian tiêm phòng đến hết 26 tuổi và nam giới đến hết 21 tuổi nếu chưa được tiêm phòng vacxin đầy đủ trước đó; đối với nam giới tuổi từ 22 đến 26 vẫn có thể tiêm phòng vacxin tùy theo từng trường hợp.
Tuy nhiên, độ tuổi tốt nhất để tiêm ngừa ung thư cổ tử cung – vacxin HPV là từ 9 – 16 tuổi với lý do:
- Thứ 1: tiêm vacxin phòng ung thư cổ tử cung ở người càng trẻ thì đáp ứng miễn dịch càng cao, do có thể kháng thể được sản sinh ra nhiều hơn.
- Thứ 2: Trẻ có thể nhiễm virus HPV dù không quan hệ hoặc tiếp xúc tình dục. Nguy cơ lây nhiễm xảy ra khi tiếp xúc với đồ lót, đồ bơi… Ngày nay, một số bé gái bắt đầu có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn và phụ huynh thường không dự đoán được. Do đó, chủng ngừa càng sớm thì càng tránh được nguy cơ trẻ đã phơi nhiễm và nhiễm HPV trước khi tiêm.
- Thứ 3: Vắc xin này có hiệu quả kéo dài tới 30 năm. Phụ huynh cũng không lo tiêm ngừa sớm cho con thì sẽ giảm hiệu quả lâu dài về sau. Các chuyên gia khuyên, trẻ nên tiêm đủ 3 mũi theo phát đồ 0-2-6 tháng và không cần làm xét nghiệm gì trước khi tiêm.
Đối với phụ nữ chưa quan hệ tình dục thì việc tiêm phòng sẽ rất lý tưởng và hiệu quả mang lại sẽ rất cao. Còn trường hợp đã quan hệ tình dục rồi cũng được khuyên đi tiêm phòng sớm vì trên thực tế, nữ giới có thể nhiễm một hoặc vài chủng virus HPV sau khi gần gũi bạn đời. Việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng nguy cơ cao chưa mắc phải.
Đối với các nhóm đối tượng đặc biệt như trẻ em có tiền sử bị lạm dụng tình dục hoặc bạo hành tình dục, khuyến cáo bắt đầu tiêm phòng vacxin HPV thường quy từ lúc lên 9 tuổi; nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, khuyến cáo nên tiêm phòng vacxin HPV thường quy giống như đối tượng nam giới nói chung và có thể kéo dài đến hết tuổi 26 nếu chưa được tiêm phòng vacxin đầy đủ trước đó
Trường hợp đối tượng chuyển giới, khuyến cáo tiêm phòng vacxin HPV thường quy và có thể đến hết tuổi 26 nếu chưa được tiêm phòng vacxin đầy đủ trước đó.
Thanh Hoa
Nguồn Tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.