Bé trai dậy thì ở độ tuổi nào là bình thường?
Dậy thì là quá trình đánh dấu sự thay đổi toàn diện cả về thể chất, tâm lý và sinh lý để chuyển đổi từ một đứa trẻ trở thành người trưởng thành. Ở Việt Nam, độ tuổi dậy thì trung bình ở bé trai là từ 12 – 16 tuổi.
Thông thường bé trai bắt đầu dậy thì từ 12 tuổi.
Dậy thì được xem là sớm khi xuất hiện ở bé trai nhỏ hơn 9 tuổi. Quá trình này được xem là muộn khi xuất hiện ở bé trai sau 14 tuổi. Trong giai đoạn dậy thì, xuất hiện sự tăng trưởng nhanh của cơ, xương, tăng kích thước cơ thể và trưởng thành ở cơ quan sinh dục.
Quá trình dậy thì ở bé trai
So với bé gái, dậy thì xuất hiện muộn hơn ở bé trai, trung bình trong khoảng từ 11.5 – 12 tuổi. Dấu hiệu dậy thì đầu tiên xuất hiện là tăng kích thước tinh hoàn, dương vật, mọc lông mu, lông nách và râu.
Chiều cao phát triển nhanh chóng trong giai đoạn dậy thì. Mỗi năm, chiều cao có thể tăng từ 9 – 13 cm. Tăng trưởng chiều cao bắt đầu từ hiện tượng bàn tay, bàn chân to ra, rồi đến cánh tay, cẳng chân, thân và ngực phát triển.
Chiều cao bé trai dậy thì tăng lên nhanh chóng.
Ngoài ra, con trai dậy thì còn xuất hiện những thay đổi khác như giọng trầm đi, cơ bắp to lên và bắt đầu có khả năng cương cứng. Các bé nam cũng xuất hiện mùi cơ thể và tuyến bã nhờn hoạt động mạnh gây nên mụn trứng cá.
Bé trai cũng có những thay đổi rõ rệt về sinh lý khi bước vào tuổi dậy thì, tinh hoàn và túi tinh bắt sản xuất tinh dịch chứa tinh trùng, dương vật cương cứng khó kiểm soát và xuất hiện hiện tượng “giấc mơ ướt” – xuất tinh tự nhiên vào ban đêm.
Các bé nam dậy thì có những thay đổi tâm lý mạnh mẽ: muốn làm người lớn, thích tự do làm điều mình muốn và thích thể hiện bản thân. Các em cũng kết giao với nhiều bạn bè hơn so với lúc nhỏ.
Bé trai dậy thì có xu hướng kết giao nhiều bạn bè hơn.
Đặc biệt, con trai dậy thì thường muốn thể hiện cái tôi, sự mạnh mẽ và nam tính của bản thân trước nhiều người. Tình cảm với những người bạn khác giới cũng manh nha xuất hiện khiến các em tò mò và mong muốn tìm hiểu về giới tính còn lại.
Bé trai thay đổi liên tục trong giai đoạn dậy thì và hoàn thành sau 3 – 4 năm với lông mu, dương vật và tinh hoàn kích thước như người lớn. Sau đó, râu và ngực vẫn tiếp tục phát triển. Tốc độ phát triển cao nhất khi bé trai đạt 14 tuổi.
Những cột mốc chính trong giai đoạn dậy thì ở bé trai
Tóm tắt những mốc thời gian chính trong giai đoạn dậy thì ở bé trai:
-
11.5 – 12 tuổi. Bắt đầu dậy thì với dấu hiệu kích thước tinh hoàn tăng. Vài tháng sau, lần lượt xuất hiện các dấu hiệu: mọc lông mu, mọc lông nách và dương vật phát triển.
-
12.5 tuổi: Sau khi mọc lông mu được 6 tháng, bàn tay và bàn chân to ra. Sau đó, tay chân, ngực và thân phát triển. Song song đó, giọng nói trầm đi, cơ bắp tăng và xuất hiện thay đổi sinh lý như cương cứng, xuất tinh.
-
14 tuổi: Đạt chiều cao tối đa.
-
15 – 16 tuổi: Lông mu, tinh hoàn và dương vật đạt kích thước như người lớn. Đồng thời, ngực, râu phát triển và bé ngừng tăng chiều cao.
Những mốc thời gian dậy thì trên chỉ có tính tương đối. Các giai đoạn phát triển ở từng bé khác nhau thì không giống nhau.
Việc cần làm khi con bước vào độ tuổi dậy thì
Khi có dấu hiệu dậy thì, cha mẹ cần là người truyền đạt cho con trai mình những kiến thức và hiểu biết cần thiết về giới tính, tình dục. Đồng thời, cần phải giúp con cởi mở và chia sẻ những bỡ ngỡ, lo lắng khi xuất hiện dấu hiệu của tuổi dậy thì.
Cần nói chuyện cởi mở với con về những vấn đề tuổi dậy thì.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phối hợp với nhà trường, thầy cô giáo để định hướng đúng đắn về giới tính và sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, cần dạy con về tình cảm trong sáng phù hợp với độ tuổi. Như vậy, phụ huynh mới có thể giảm nguy cơ con mắc sai lầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để quan sát những thay đổi ở cơ thể và tâm, sinh lý đứa bé. Ngoài việc giáo dục giới tính, đừng quên cho con ăn uống đầy đủ, cân bằng và tham gia những hoạt động thể chất để đạt tốc độ phát triển tốt nhất.
Uyên
Nguồn tham khảo: Báo Sức khỏe & Đời sống
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.