Taurine là gì? Hiểu và dùng cho đúng
Để có thể phát triển khỏe mạnh, cơ thể con người cần phải có rất nhiều axit amin. Taurine cũng là một trong những loại axit amin đó, tuy không phải là loại axit amin thiết yếu nhưng nó cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết để có một sức khỏe tốt. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết thêm thông tin về taurine, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Tìm hiểu thêm taurine là gì?
Ngày nay, có rất nhiều nhà sản xuất sữa trẻ em, các chất bổ sung dinh dưỡng và nước tăng lực thêm taurine vào thành phần. Trong tự nhiên, taurine cũng xuất hiện ở trong các thực phẩm động vật như hải sản, thịt bò, thịt gà. Chính vì vậy, những người thường xuyên ăn chay cũng có nhiều khả năng thiếu taurine, bởi cơ thể không được bổ sung chất này từ động vật.
Theo một số nhà nghiên cứu cho rằng, taurine có thể mang loại hiệu quả cao trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh động kinh và tiểu đường. Theo lý giải của các nhà khoa học, taurine được tìm thấy có trong não, tủy sống, tế bào tim, mô cơ xương và võng mạc. Taurine cũng có trong bạch cầu và hệ miễn dịch.
Vậy taurine có tác dụng gì? Taurine là hoạt chất tham gia vào một số chức năng của cơ thể như điều chỉnh khối lượng tế bào, ổn định màng tế bào, sản xuất mật và điều chỉnh lượng canxi bên trong tế bào. Theo cơ chế hoạt động tự nhiên, cơ thể con người có thể tự sản xuất tạo ra taurine. Và một điều cần lưu ý là, những thực phẩm thuần chay sẽ không có chứa taurine nên những người ăn chay cần phải bổ sung taurine bằng những loại thực phẩm bổ sung khác.
Taurine là hoạt chất tham gia vào một số chức năng của cơ thể
Vì sao taurine cần thiết cho cơ thể?
Taurine là dưỡng chất đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ các tế bào tránh khỏi tình trạng hư hại. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng taurine cũng đóng góp một phần trong việc phát triển trí não và ngăn ngừa các bất thường xảy ra ở thai nhi.
Khi tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu cũng đã ghi nhận được rằng, taurine đóng vai trò tích cực vào việc chống lại tình trạng thoái hóa ở loài động vật này.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, loại chất này còn mang lại lợi ích cho những người mắc phải các loại bệnh như tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2, bệnh thận do biến chứng tiểu đường, động kinh…
Tìm hiểu chi tiết về những lợi ích sức khỏe tiềm năng của taurine
Lợi ích của taurine đối với tiểu đường
Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, taurine có khả năng làm cho cơ thể nhạy cảm hơn với insulin và các yếu tố khác cho cả tiểu đường loại 1 và loại 2. Ngoài ra, với những người bị bệnh thận do biến chứng khi tiểu đường, taurine cũng được chứng minh là mang lại một số những hiệu quả nhất định trong việc cải thiện bệnh.
Taurine có tác dụng gì đối với bệnh động kinh?
Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét tác dụng của taurine đối với bộ não của các đối tượng thuộc độ tuổi thanh thiếu niên. Lập luận của họ đã cho rằng, taurine có những ảnh hưởng nhất định đến việc giải phóng canxi từ các tế bào, vì vậy chúng cũng sẽ có tác động đến các chức năng của não.
Trên thực tế, taurine cũng được tìm thấy rất nhiều ở 3 khu vực của não bao gồm hải mã, tiểu não và các vùng dưới đồi. Đối với những đối tượng bị động kinh, chất này thường dễ bị thiếu hụt ở những khu vực não vừa kể ở trên đây.
Trong một vài thử nghiệm trên cơ thể các loài động vật như chó, mèo và chuột các nhà nghiên cứu cũng đã ghi nhận được rằng, taurine còn có khả năng chống tình trạng động kinh ở những loài vật này. Tuy nhiên khi nghiên cứu ở người thì kết quả lại cho thấy rằng, mặc dù taurine có khả năng chống động kinh nhưng tác dụng của nó ở lĩnh vực này không được thể hiện một cách nhất quán. Chính vì vậy, những lý lẽ giải thích về tác dụng của taurine với bệnh động kinh ở người vẫn chưa thật sự thuyết phục được giới chuyên gia.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học khẳng định rằng taurine vẫn có một số tác dụng nhất định đối với não bộ của con người.
Taurine có tác dụng gì đối với bệnh tim mạch?
Tại Nhật Bản, các bác sĩ đã sử dụng taurine giống như một lựa chọn dùng để điều trị cho những người mắc bệnh suy tim sung huyết. Ngoài việc tham gia tích cực vào quá trình sản xuất túi mật, taurine còn có những khả năng khác như:
– Điều hòa huyết áp
– Hoạt động như một chất chống oxy hóa
– Hoạt động như một chất chống viêm
– Ngăn ngừa bệnh tim mạch vành
Một trong những chức năng chính của taurine chính là kết hợp cholesterol với axit mật và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Trong một số nghiên cứu khác, người sử dụng thực phẩm bổ sung trong 3 tuần liên tục sẽ giúp có mức tăng cholesterol thấp hơn đáng kể so với những người bình thường. Ngoài ra, taurine còn góp phần ngăn chặn tác dụng của tín hiệu angiotensin II ở thận (yếu tố gây tăng huyết áp), từ đó nó sẽ tác động đến việc điều chỉnh huyết áp.
Taurine có nhiều tác dụng hữu ích đối với sức khỏe
Tác dụng phụ của taurine
Đa số các nhà nghiên cứu về taurine đã đưa ra nhận định rằng, cơ thể con người có xu hướng dung nạp khá tốt chất này. Theo kết quả của một cuộc khảo sát đăng trên tạo chí của Hiệp hội Dược sĩ Hoa Kỳ công bố đã xem xét sự an toàn của taurine trong nước tăng lực. Theo thông tin này, hàm lượng taurine có chứa trong đa số nước tăng lực thường rất thấp để có thể tạo ra bất kỳ tác dụng phụ nào.
Tuy nhiên, nhiều người tham gia nghiên cứu này đã cho biết rằng, họ vẫn có những dấu hiệu của việc tiêu chảy và táo bón nhẹ khi uống những loại nước tăng lực có thành phần chứa taurine. Ngoài ra, những đối tượng bị suy tuyến thượng thận có thể sẽ bị giảm nhiệt độ cơ thể và tăng nồng độ kali nếu tiêu thụ quá nhiều taurine. Đối với những người bị động kinh hoặc có tiền sử bị động kinh, nếu dùng quá 1,5 gram taurine mỗi ngày có thể gây nên những tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, đi lại khó khăn và đau đầu.
Vì vậy, đối với những người bị suy tuyến thượng thận và động kinh cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Tùy theo thể trạng của từng người, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ an toàn cũng như liều lượng sử dụng phù hợp.
Cơ thể con người có xu hướng dung nạo khá tốt chất taurine
Như vậy, bạn có thể hiểu nôm na taurine là một hợp chất mà mọi người có được từ chế độ ăn uống hàng ngày hoặc bằng cách bổ sung. Nếu cơ thể bị thiếu hụt hoặc quá dư hợp chất này, bạn có thể sẽ gặp phải những rủi ro về sức khỏe.
Thủy Phan
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.