Sai lầm khi ăn hàu mà bạn không thể nào bỏ qua
Hàu là một loại động vật thân mềm có vỏ sống ở nước mặn, nổi tiếng với những giá trị dinh dưỡng cao. Bài viết sau tập trung nói về tác dụng của hàu và những sai lầm khi ăn hàu mà nhiều người gặp phải.
Dinh dưỡng trong hàu
Trong 100g hàu có chứa: 1.5g chất béo, 10.9g protein, carbohydrates và nguồn vitamin dồi dào như: A, B1, B2, B3, C, D. Hàu chứa một lượng cholesterol rất thấp, chỉ có khoảng 70 calo trong 100g hàu.
Trong y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tráng dương, chữa mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt. Phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn… nên ăn hàu.
Tác dụng của hàu
Giúp giảm cân
Chế độ ăn uống giàu protein có hiệu quả trong việc thúc đẩy giảm cân, hiệu quả hơn nhiều so với chế độ ăn ít chất béo hoặc chế độ ăn nhiều carb. Trong khi đó, hàm lượng protein trong hàu lại rất cao, phù hợp để bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của người đang muốn giảm cân.
Kiểm soát đường huyết
Hàu là nguồn cung cấp protein dồi dào, rất có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu. Tác dụng làm giảm đáng kể nồng độ triglyceride của hàu đối với bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 đã được chứng nhận.
Chống oxy hóa
Ngoài việc bổ sung vitamin cho cơ thể, hàu còn chứa một chất chống oxy hóa độc đáo có tên là 3,5-Dihydroxy-4 methoxybenzyl alcohol (DHMBA). DHMBA là một hợp chất phenolic có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, mạnh hơn 15 lần so với Trolox – một dạng vitamin E tổng hợp – trong việc chống lại stress oxy hoá.
Bảo vệ gan
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, chất DHMBA trong hàu rất tốt cho sức khỏe gan, nó có thể bảo vệ các tế bào gan của con người khỏi các tác nhận gây hại.
Tốt cho hệ tim mạch
Hàu có thể cải thiện sức khoẻ tim mạch một cách hiệu quả. Một nghiên cứu cho thấy DHMBA làm giảm quá trình oxy hóa cholesterol LDL. Nói một cách chi tiết hơn, Oxy hóa cholesterol là một phản ứng hóa học liên quan đến chứng xơ vữa động mạch – yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim. Ngoài ra, lượng magie và kali cao trong hàu cũng có tác dụng giảm huyết áp và nới lỏng các mạch máu hiệu quả.
Bổ sung collagen cho da
Hàu chứa một lượng kẽm dồi dào, hỗ trợ thúc đẩy sản sinh collagen hiệu quả, từ đó có tác dụng giảm đáng kể tình trạng chảy xệ và cải thiện cấu trúc da. Ngoài ra, tiêu thụ hàu thường xuyên cũng giúp móng tay, tóc cũng như da đầu khoẻ mạnh hơn.
Sai lầm khi ăn hàu
Hàu chỉ có tác dụng tốt cho sức khỏe chúng ta khi được tiêu thụ đúng cách. Ăn hàu sai cách không những không mang lại tác dụng gì mà còn gây hại cho sức khỏe nữa. Sau đây là những sai lầm khi ăn hàu mà bạn cần lưu ý.
Ăn hàu sống
Có quan niệm cho rằng ăn hàu sống nhiều dinh dưỡng hơn nấu chín. Tuy nhiên, thực tế thì ăn hàu sống hoặc chế biến tái khiến bạn dễ nhiễm khuẩn. Nguyên nhân là do hàu là động vật có vỏ, sống tận đáy biển nên chứa nhiều mầm bệnh hơn các loài khác.
Các chuyên gia cũng cho biết, hàu sống thường bám vào gành đá, gầm cầu ở biển hay cửa sông nên nhiều nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, ấu trùng sán… Do đó, quan điểm ăn hàu sống hấp thu nhiều chất dinh dưỡng hơn hàu chín là hoàn toàn sai lầm. Ăn hàu sống nhiễm khuẩn còn dẫn đến các bệnh đường ruột như tiêu chảy hoặc sốt cao, nhiễm trùng…
Chế biến hàu không sạch
Chế biến hàu không sạch cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Theo đó, cách chế biến đúng là bạn phải ngâm hàu sống với nước sạch hoặc nước muối khoảng ba tiếng để loại bỏ cặn bẩn, bùn sâu trong lớp vỏ. Tuỳ theo sở thích để hấp, xào, nấu cháo nhưng bắt buộc phải nấu chín kỹ để đảm bảo vệ sinh, phòng ngộ độc. Nên ăn kết hợp với các loại hải sản khác như tôm, cua, cá hoặc thịt bò, rau xanh… để bữa ăn đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng.
Ăn hàu với mù tạt
Nhiều người có thói quen ăn hàu với mù tạt để giảm mùi tanh của hải sản. Tuy nhiên, mù tạt có thể gây kích thích niêm mạc đường mũi, họng nếu ăn quá nhiều đồng thời kích thích dạ dày đối với những người có hệ tiêu hóa kém, bị đau dạ dày, viêm ruột.
Cơ địa một số người bị dị ứng hải sản nên cẩn thận khi ăn để tránh bị kích ứng, nổi ban đỏ, mề đay, ngứa, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Nặng có thể khó thở, tím tái, tụt huyết áp, sốc phản vệ nguy hiểm tính mạng nếu không xử lý kịp thời.
Tiếp xúc với hàu khi có vết thương hở
Người có vết thương hở nên thận trọng khi tiếp xúc với nước biển, nước lợ, hải sản sống như hàu. Nhiều trường hợp bị thương khi tham gia các hoạt động trên biển, như bơi lội, câu cá, cầm nắm hải sản hoặc các vết đâm nhỏ bởi đuôi tôm, vỏ hàu,… cũng có thể nhiễm vi khuẩn.
Hàu chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của bạn nhưng không nên ăn nhiều và cần chế biến kỹ trước khi ăn.
Hường
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.