Mù tạt là một loại gia vị đặc trưng có vị trải từ ngọt tới cay giúp kích thích vị giác khi ăn kèm các món ăn. Chính vì vị cay nồng của nó mà nhiều người cho rằng ăn mù tạt sẽ gây nóng trong người, làm da nổi mụn. Tuy nhiên, thực tế thì mù tạt lại mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mù tạt là một trong những loại gia vị lâu đời nhất. Cách đây hàng ngàn năm, mù tạt chính là một trong những gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của người Hy Lạp cổ đại. Vậy mù tạt có lợi ích gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp.
Một số thông tin về mù tạt
Mù tạt hay còn có tên là wasabi, đây là một loại thực vật họ cải thuộc chi Brassica, những phần được sử dụng thường là cuống hoa non, lá và hạt. Mù tạt có 3 loại chủ yếu:
- Mù tạt trắng: Còn được gọi là mù tạt vàng, loại mù tạt này có hương vị nhẹ.
- Mù tạt đen: Được sử dụng phổ biến với hương vị mạnh mẽ, cay hơn mù tạt trắng.
- Mù tạt nâu: Có vị cay nồng.
Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia USDA, cả phần hạt và lá của cây mù tạt đều chứa nhiều khoáng chất như magie, canxi, kali, photpho, cùng với nguồn vitamin A và folate dồi dào, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Lợi ích sức khỏe bất ngờ từ mù tạt
Dưới đây là một số lợi ích mà mù tạt mang lại cho sức khỏe của bạn:
Tăng cường hệ miễn dịch
Trong mù tạt chứa nhiều vitamin C. Đây là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giúp bảo vệ cơ thể hiệu quả để chống lại bệnh tật và các tình trạng viêm, nhiễm trùng.
Kháng khuẩn
Một đặc tính của mù tạt đó là kháng khuẩn và sát trùng. Với đặc tính này, mù tạt có thể giúp chống lại các vi khuẩn có hại, đặc biệt là hai loại vi khuẩn phổ biến gây ngộ độc thực phẩm E.coli và Staphylococcus aureus.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Mù tạt có khả năng kích thích sản xuất các enzym tiêu hóa, hỗ trợ quá trình phân hủy thức ăn. Ngoài ra, mù tạt còn hỗ trợ điều trị loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H.pylori gây ra.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Trong mù tạt có chứa thành phần acid béo omega 3. Một số nghiên cứu được thực hiện trên những người bị đau tim cho thấy thành phần này giúp họ giảm tình trạng dày thất, đau ngực và giảm tỷ lệ rối loạn nhịp tim.
Hỗ trợ điều trị một số bệnh đường hô hấp
Một tác dụng khác mà mù tạt đem lại đó là hỗ trợ sức khỏe hệ hô hấp. Từ xưa, mù tạt đã được đánh giá cao về hiệu quả hỗ trợ điều trị các vấn đề về viêm xoang và cảm lạnh. Có thể xem mù tạt là một “liều thuốc” để làm giảm nghẹt mũi, thông thoáng khí quản, làm sạch chất nhầy trong đường dẫn khí và làm dịu tình trạng ho nặng. Bạn có thể dùng trà mù tạt súc miệng để giảm cơn đau họng hiệu quả. Bên cạnh đó, trong y học cổ đại, hạt mù tạt đã được sử dụng để điều trị viêm phế quản mạn tính, tiêu đờm và kích thích lưu thông máu trong cơ thể.
Kiểm soát đường huyết
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mù tạt có tác dụng trong việc giảm thiệt hại do căng thẳng oxy hóa có liên quan đến bệnh đái tháo đường gây ra. Ngoài ra, việc sử dụng mù tạt còn giúp làm giảm glucose và protein glycosylated trong máu hiệu quả nhờ giảm quá trình peroxy hóa lipid và kích thích chuyển hóa glucose hỗ trợ điều trị tiểu đường.
Giảm cholesterol trong cơ thể
Lá mù tạt có thể liên kết acid mật chứa cholesterol trong ống tiêu hóa, từ đó tạo điều kiện cho cơ thể đào thải các acid này ra khỏi cơ thể. Quá trình này sẽ giúp làm giảm cholesterol hiệu quả. Bạn có thể dùng lá mù tạt hấp với một ít thì là, hạt tiêu và muối để đào thải cholesterol tốt hơn là ăn thực phẩm thô.
Gợi ý một số món ăn với mù tạt
Mù tạt là một loại gia vị mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn có thể kết hợp mù tạt với một số thực phẩm dưới đây để làm phong phú hơn thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày cho gia đình:
- Tương ớt mù tạt: Dùng bột wasabi tươi với lá bạc hà, ớt xanh, rau mùi, thêm một ít nước cốt chanh và một chút muối. Chỉ với cách làm đơn giản này bạn sẽ tạo ra được tương ớt mù tạt thơm và cay, giúp kích thích vị giác khi ăn kèm với các món ăn như hải sản, sushi,…
- Mayo mù tạt: Bạn có thể dùng sốt mayonnaise trộn với tương mù tạt để tạo ra một loại sốt thơm ngon có thể dùng kèm với bánh mì hoặc các món cuốn.
- Wasabi Tandoori Tikka: Dùng hỗn hợp sữa chua, gia bị và bột wasabi để để ướp thịt gà, bánh nướng hoặc cá. Sau đó bỏ vào lò nướng, bạn sẽ có được một món tandoori tikka đậm vị và thơm ngon.
- Cà ri mù tạt: Chuẩn bị nước cốt dừa ngâm mù tạt, rau củ, protein như thịt hoặc đậu nành. Đem những nguyên liệu này để nấu thành cà ri, bạn sẽ có được món cà ri mù tạt mới lạ và hấp dẫn.
Từ mù tạt, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên, mù tạt có vị khá nồng, vì vậy bạn nên bắt đầu với một lượng nhỏ, sau đó có thể điều chỉnh theo sở thích. Ngoài ra, bạn có thể dùng sữa chua hoặc đường vào các món ăn để có thể cân bằng độ cay của mù tạt.
Trên đây là những thông tin mà chúng tôi chia sẻ đến bạn về những lợi ích của mù tạt có thể đem lại cho sức khỏe của bạn. Có thể thấy, mù tạt là một loại gia vị có thể dùng trong nhiều món ăn và có tác động tích cực đến sức khỏe chúng ta. Hi vọng những thông tin trong bài viết này có thể giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp