Bệnh tiểu đường đang ngày càng trở nên phổ biến và việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh là điều quan trọng để kiểm soát tình trạng sức khỏe. Trong đó, trứng là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng người bệnh tiểu đường ăn trứng được không?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng của trứng, tác động của trứng đối với mức đường huyết và cung cấp một số gợi ý về cách chế biến trứng trong chế độ dinh dưỡng của những người bị tiểu đường.
Người bị tiểu đường ăn trứng được không?
Trứng là một nguồn giàu protein, rất phù hợp sử dụng cho người bị tiểu đường.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đã xem xét trứng là một lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường. Lý do là trong một quả trứng chỉ có khoảng 0,5g carbohydrate, do đó không có nguy cơ gây tăng đường huyết.
Mặc dù trứng có chứa một lượng cholesterol khoảng 200 mg trong một quả trứng, nhưng điều này không ảnh hưởng đáng kể đến mức đường huyết của người bệnh tiểu đường.
Theo dõi nồng độ cholesterol rất quan trọng ở người tiểu đường bởi nó là một yếu tố nguy cơ cho các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, tuân thủ một chế độ ăn kiêng cholesterol không đem lại hiệu quả lớn cho những người mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, điều quan trọng là nhận thức và giảm thiểu các nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch khác đối với người mắc bệnh tiểu đường.
Lợi ích của trứng đối với người bệnh tiểu đường
Sau khi hiểu được “người bệnh tiểu đường ăn trứng được không?” thì chúng ta nên nắm rõ những lợi ích mà quả trứng mang lại cho sức khỏe cơ thể. Trứng rất giàu protein, một quả trứng chứa khoảng 7g protein, ngoài ra, trứng còn là một nguồn cung cấp kali tuyệt vời, có lợi cho sức khỏe thần kinh và cơ bắp. Kali giúp duy trì sự cân bằng của nồng độ natri trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch.
Trứng chứa các chất dinh dưỡng quan trọng như lutein – giúp bảo vệ sức khỏe, chống lại bệnh tật, choline – có lợi cho sức khỏe não bộ. Lòng đỏ trứng chứa biotin – một chất quan trọng cho sự khỏe mạnh của tóc, da, móng và cả sản xuất insulin.
Trứng còn cung cấp nhiều omega-3 – một loại chất béo có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, trứng giúp kiểm soát lượng calo và chất béo trong khẩu phần của bạn. Một quả trứng chứa khoảng 75 calo và 5g chất béo. Điều này làm cho trứng trở thành một lựa chọn linh hoạt có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau để phù hợp với khẩu vị của bạn.
Mặc dù trứng tốt cho sức khỏe người tiểu đường nhưng không nên ăn quá nhiều trứng.
Cholesterol trong trứng có ảnh hưởng đến người bị tiểu đường không?
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa cholesterol LDL (cholesterol xấu) và cholesterol HDL (cholesterol tốt) trong cơ thể. Vì vậy, nhiều người lo lắng rằng ăn trứng có thể dẫn đến tăng mức cholesterol (do lòng đỏ trứng có hàm lượng cholesterol cao), từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Theo khuyến nghị của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, nên hạn chế việc tiêu thụ khoảng 300 mg cholesterol mỗi ngày. Một quả trứng luộc cung cấp khoảng 200 mg cholesterol. Điều này có nghĩa là chỉ nên ăn khoảng 1,5 quả trứng mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ăn trứng một cách điều độ không có ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol tổng thể trong cơ thể. Cholesterol có trong thực phẩm ít có tác động đáng kể đến việc tăng cholesterol tổng thể. Thay vào đó, sự tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao như bánh ngọt, kẹo, thịt và đồ ăn nhanh chế biến sẵn có thể làm tăng hàm lượng cholesterol trong cơ thể. Lòng đỏ trứng, mặc dù có hàm lượng cholesterol cao hơn so với một số thực phẩm khác, nhưng lại có hàm lượng chất béo bão hòa thấp hơn, điều này làm giảm đáng kể lo ngại về tác động tiêu cực đối với sức khỏe tim mạch.
Người bị tiểu đường nên sử dụng bao nhiêu trứng?
Bởi vì toàn bộ lượng cholesterol trong trứng tập trung trong lòng đỏ, nếu bạn muốn hạn chế lượng cholesterol trong chế độ ăn, có thể cân nhắc chỉ sử dụng lòng trắng trứng. Hoặc bạn cũng có thể xem xét sử dụng các sản phẩm thay thế trứng (egg substitutes) không chứa cholesterol, thường được làm từ lòng trắng trứng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lòng đỏ là nguồn chứa đa số các dưỡng chất quan trọng của trứng như vitamin A, choline, axit béo omega-3, và canxi. Do đó, nếu chỉ sử dụng lòng trắng, bạn sẽ bỏ lỡ các chất dinh dưỡng quan trọng này cho cơ thể.
Người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế việc sử dụng trứng không quá 3 quả mỗi tuần. Tuy nhiên, nếu ăn chỉ lòng trắng trứng, bạn có thể sử dụng nhiều hơn.
Cách chế biến trứng tốt cho người tiểu đường
Ngoài việc kiểm soát lượng trứng, cách chế biến trứng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Mặc dù trứng là một nguồn thực phẩm lành mạnh, nhưng cách bạn nấu trứng có thể ảnh hưởng đến lợi ích dinh dưỡng của nó. Ví dụ, chiên trứng bằng bơ hoặc dầu ăn sẽ tăng lượng calo và chất béo trong bữa ăn, điều này không tốt cho sức khỏe.
Phương pháp chế biến trứng lành mạnh nhất là trứng luộc. Cách nấu này không chỉ nhanh chóng mà còn không cần thêm bất kỳ dầu mỡ hay nguyên liệu nào khác. Trứng luộc là một nguồn protein phong phú và nhẹ nhàng, phù hợp cho cả chế độ ăn kiêng giảm cân và có lợi cho người bị tiểu đường. Protein giúp cảm giác no lâu mà không làm tăng đường huyết. Việc tiêu thụ thực phẩm giàu protein cũng làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm tốc độ hấp thụ glucose, điều này rất có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài việc kiểm soát carbohydrate và đường, cần lưu ý lượng cholesterol và chất béo bão hòa trong thực phẩm. Có thể thay trứng nguyên quả bằng lượng lòng trắng trứng tương đương hoặc chọn các thực phẩm giàu protein khác có ít chất béo và cholesterol, chẳng hạn như đậu phụ, để cung cấp protein cho cơ thể mà không gây tác động xấu đến sức khỏe.
Hy vọng rằng qua bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc về việc “người bị tiểu đường ăn trứng được không?”. Mặc dù trứng nhiều lợi ích về sức khỏe cho người bị tiểu đường, nhưng cần hạn chế do trứng chứa hàm lượng lớn cholesterol. Hãy ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng và tập thể dục đều đặn với cường độ phù hợp và tái khám định kỳ để nâng cao chất lượng sống.
Xem thêm:
- Bài thuốc chữa tiểu đường bằng khế chua và trứng gà
- Người mắc bệnh tiểu đường có nên ăn cháo không?
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp