Cách phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em cha mẹ nên biết
1. Nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em
Nguyên nhân trực tiếp
Thông thường do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đủ về số lượng và chất lượng, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, không được ăn bổ sung hợp lý (có thể ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn bổ sung quá nghèo nàn về dinh dưỡng). Hoặc có thể trẻ bị các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy cấp làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ.
Nguyên nhân gián tiếp
Chủ yếu là do điều kiện kinh tế gia đình nghèo đói, môi trường ô nhiễm, dịch vụ chăm sóc y tế chưa tốt, thiên tai xảy ra thường xuyên…hay cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con, cai sữa quá sớm cho bé hoặc trẻ bị sinh non…
2. Nhận biết triệu chứng để có cách phòng chống bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em hiệu quả
Nhận biết triệu chứng bé bị suy dinh dưỡng là điều quan trọng để có cách phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Triệu chứng đầu tiên dễ nhận biết là trẻ có biểu hiện chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân. Ngoài ra, nếu trẻ mắc suy dinh dưỡng sẽ thường biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt. Khi mắc suy dinh dưỡng, trẻ hay buồn bực, quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt. Một số triệu chứng để nhận biết như các bắp thịt mềm nhão, bụng to dần. Đặc biệt, trẻ suy dinh dưỡng thường chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng.
3. Cách phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em cha mẹ nên biết
Việc phòng chống bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em phải tuân thủ một cách khoa học mới đem lại hiệu quả:
Chế độ ăn uống khoa học, đủ 4 nhóm chất
Cha mẹ nên cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm, kiên trì, tập luyện cho con thói quen ăn uống khoa học ngay từ nhỏ như ngồi vào bàn ăn, ăn uống đúng giờ, áp dụng nguyên tắc 3 không là không điện thoại, không đồ chơi, không ăn rong. Cần cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho trẻ, đảm bảo giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.
Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài 18-24 tháng tuổi. Sữa mẹ sẽ hỗ trợ cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ còn cung cấp kháng thể chống lại bệnh tật, bảo vệ trẻ không mắc các bệnh nhiễm trùng.
Thứ hai, cha mẹ cũng cần áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng với đủ 4 nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Cho con ăn đa dạng thực phẩm, khéo léo trang trí món ăn bắt mắt để con hào hứng hơn với bữa ăn. Chăm sóc trẻ bằng bữa ăn hợp lý: tập cho trẻ ăn dặm từ 4-6 tháng tuổi, cho trẻ ăn đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng (Gluxic, Lypid, Protein, Vitamin)
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Chọn thực phẩm tươi, hạn chế cho trẻ dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đảm bảo ăn chín uống sôi.
Cho trẻ ăn cùng gia đình
Cách này để sẽ giúp trẻ vui vẻ, học được cách ăn uống lịch sự của bố mẹ như mời ông bà, cha mẹ ăn cơm, chủ động xúc ăn… Không khí gia đình sẽ giúp bé vui vẻ, hào hứng khi ăn. Từ đó, trẻ sẽ cảm nhận tốt mùi vị thức ăn, ăn ngon miệng và hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.
Phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng:
Chăm sóc đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thời gian trẻ bị bệnh và phục hồi sau thời gian bị bệnh suy dinh dưỡng như định kỳ 6 tháng tẩy giun một lần cho trẻ trên 2 tuổi mẹ nhé.
Việc cha mẹ nắm và hiểu cách phòng chống suy dinh dưỡng cho con là rất quan trọng, vì nó tác động trực tiếp tới sức khỏe cũng như sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của con.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.