Cách đánh giá trẻ suy dinh dưỡng chính xác nhất qua những biểu hiện này
1. Cách đánh giá trẻ bị suy dinh dưỡng ở thể nhẹ
Đối với thể suy dinh dưỡng nhẹ:
Cha mẹ có thể có cách đánh giá trẻ bị suy dinh dưỡng hay không qua các biểu hiện sau bao gồm:
- Biếng ăn: Trẻ có biểu hiện biếng ăn, ăn không đủ bữa, ăn không hết phần thức ăn theo nhu cầu lứa tuổi. Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất nhưng cũng dễ nhầm lẫn với các loại bệnh khác.
- Kém linh hoạt hoặc ưa quấy khóc quấn mẹ.
- Chậm tăng cân hoặc đứng cân liên tục trong 2-3 tháng. Cân nặng chính là cách đánh giá trẻ bị suy dinh dưỡng đúng nhất. Vì chỉ số là ban đầu nói lên sự phát triển thể chất của con, đa số các mẹ thường không theo dõi chặt chẽ cân nặng của con, không phát hiện hoặc lơ là việc con bị đứng cân.
- Chậm tăng chiều cao hoặc không tăng chiều cao liên tục trong 2-3 tháng.
- Rối loạn giấc ngủ: Nếu như bố mẹ thấy bé có các biểu hiện như ngủ không ngon giấc, hay giật mình, quấy khóc về đêm, ra mồ hôi trộm…thì rất có thể bé có dấu hiệu bệnh suy dinh dưỡng.
- Rụng tóc vùng chẩm (chiếu liếm).
- Chậm mọc răng.
- Da xanh dần, cơ nhão dần.
- Chậm biết đi.
- Thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
2. Cách đánh giá để biết trẻ bị suy dinh dưỡng thể nặng
Ngoài cách đánh giá trẻ suy dinh dưỡng, cha mẹ có thể biết được con đang ở thể nhẹ hay nặng. Một số biểu hiện suy dinh dưỡng thể nặng:
Thể phù (kwashiorkor):
Cân nặng/tuổi còn từ 60 – < 80% so với chuẩn, mặc dù có phù. Trẻ phù từ chân rồi đến mắt và có thể phù to toàn thân. Trên da có thể xuất hiện những đám lấm chấm sắc tố màu nâu, sau đó bong ra, dễ bị trợt loét và bị nhiễm khuẩn. Trẻ thờ ơ với ngoại cảnh, hay quấy khóc, ăn kém, ỉa phân sống, lỏng, nhầy mỡ. Thể kwashiorkor ít gặp hơn thể marasmus; thường do chế độ ăn quá nghèo đạm còn tinh bột tạm đủ chế độ ăn bổ sung chủ yếu dựa vào gạo, ngô, khoai, sắn.
Thể gầy đét (marasmus):
Cân nặng/tuổi < 60% so với chuẩn, cơ thể gày đét chỉ còn da và xương. Đây là cách đánh giá trẻ suy dinh dưỡng hay gặp nhất. Đó là hậu quả của chế độ ăn thiếu cả nhiệt lượng và protein hoặc do cai sữa quá sớm, hoặc thức ăn bổ sung không hợp lý; hoặc do tình trạng vệ sinh kém gây tiêu chảy, trẻ ăn càng kém và vòng luẩn quẩn bệnh lý xảy ra.
Tinh thần mệt mỏi, thờ ơ với ngoại cảnh, trẻ có thể thèm ăn hoặc chán ăn, hay bị rối loạn tiêu hoá, đi phân sống, lỏng.
Thể phối hợp (marasmus – kwashiorkor):
Cân nặng/tuổi < 60% so với chuẩn, cơ thể gày đét nhưng lại có phù, thường phù ở hai mu chân, trẻ kém ăn và hay bị rối loạn tiêu hoá.
Ngoài ra ở trẻ thiếu dinh dưỡng protein – năng lượng thường thiếu các chất dinh dưỡng khác như thiếu sắt, magiê, kali, kẽm, các acid béo chưa no, các vitamin và nhiều chất khác. Điều đó làm cho bệnh cảnh lâm sàng của suy dinh dưỡng protein – năng lượng thêm phong phú và đa dạng. Đặc biệt thiếu vitamin A và bệnh khô mắt thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng có thể dẫn tới nhuyễn giác mạc và hỏng mắt.
Vậy để phát hiện sớm những biểu hiện này, cha mẹ cần có cách đánh giá trẻ suy dinh dưỡng như sau:
- Theo dõi sát chế độ ăn của trẻ: xem trẻ có ăn hết suất và đủ bữa không.
- Quan sát da, cơ, răng, tóc của trẻ.
- Quan sát sự phát triển vận động của trẻ xem có bình thường (lật, ngồi, đứng chựng, đi… có đúng với lứa tuổi).
- Thường xuyên đưa trẻ đến cơ quan y tế để cân, đo chiều cao mỗi 1-2 tháng, điều này giúp phát hiện nhanh chóng tình trạng chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao của trẻ. Xem trẻ có thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng không. Suy dinh dưỡng có thể phòng tránh được nếu bố mẹ để ý đến những biểu hiện của con và có hướng điều trị tích cực, đúng đắn.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.