4 lưu ý khi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng
1. Hiểu đúng về tình trạng suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là tình trạng trẻ ngừng phát triển do cơ thể thiếu protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng, thường có ba cách phân loại: phân loại theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO- 1981) và phân loại theo Waterlow (1976), phân loại theo Welcome (1970). Tình trạng này thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng hay gặp nhất là ở lứa tuổi từ 6 – 24 tháng. Suy dinh dưỡng thường kèm theo tình trạng dễ nhiễm khuẩn và ngược lại nhiễm khuẩn làm cho suy dinh dưỡng nặng thêm.
Thang phân loại của WHO (1981) thường được dùng thông dụng nhất hiện nay. WHO khuyến nghị coi là suy dinh dưỡng khi cân nặng trên tuổi dưới 2 độ lệch chuẩn (- 2 SD) so với quần thể tham khảo NCHS (National Center for Health Statistics) của Mỹ. Từ dưới – 2 SD đến – 3 SD: suy dinh dưỡng nhẹ (độ 1), từ dưới – 3 SD đến – 4 SD: suy dinh dưỡng vừa (độ 2), từ dưới – 4 SD: suy dinh dưỡng nặng (độ 3). 1 SD tương đương với 10% cân nặng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng như do trẻ ăn kém, bị rối loạn tiêu hóa hoặc là hệ quả của việc mắc bệnh nhiễm khuẩn. Dù nguyên nhân nào thì hậu quả cũng khiến trẻ bị thiếu năng lượng và dưỡng chất thiết yếu làm trẻ không tăng cân, không tăng chiều cao và giảm trí thông minh. Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn và điều trị triệt để các bệnh trẻ mắc phải.
2. 4 lưu ý khi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng
Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng cần bài bản, khoa học mới đem lại hiệu quả. 4 lưu ý dưới đây nhiều cha mẹ vẫn hay mắc phải khiến chúng phản tác dụng:
Không nên tẩm bổ vô tội vạ
Điều lưu ý đầu tiên khi bố sung dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng chính là trẻ em bệnh suy dinh dưỡng cần được bổ sung nhiều dưỡng chất hơn bình thường để giúp bé nhanh chóng lấy lại được tốc độ tăng trưởng cân nặng và chiều cao theo tiêu chuẩn phát triển. Nhưng không ít ông bố bà mẹ có con chậm tăng cân, còi cọc đã cố gắng tẩm bổ “vô tội vạ” với rất nhiều thực phẩm đắt tiền, quý hiếm chẳng hạn như yến sào, nhung hươu, sữa ong chúa… cho trẻ, nhưng tác dụng đâu không thấy mà con thì vẫn còi cọc hoặc táo bón, rối loạn tiêu hóa khiến cha mẹ lại càng thêm phiền não.
Không nên tự ý bổ sung vi chất cho trẻ
Vi chất cho mỗi cơ thể chúng ta chỉ cần với một một lượng nhỏ nhưng là dinh dưỡng rất trọng yếu cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt nếu bé suy dinh dưỡng, thấp còi có thể cần được bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng (bao gồm vitamin và muối khoáng). Có rất nhiều bà mẹ thường tự bổ sung thêm vi chất cho trẻ vì nghĩ rằng đó là thuốc bổ, nhất là canxi và vitamin D để trẻ tăng thêm chiều cao. Tuy nhiên, điều này dễ gây tác dụng “ngược” vì việc bổ sung vi chất phải được sự hướng dẫn từ các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng khám và chọn lựa vì vi chất thừa hay thiếu đều mang lại tác hại cho sự phát triển của trẻ.
Không nên coi nước trái cây, sữa là một bữa ăn phụ
Trẻ bị suy dinh dưỡng cần được tăng cường số lượng bữa ăn trong ngày nhưng mẹ không nên chọn nước trái cây là một bữa ăn phụ cho bé. Vì nước trái cây rất ít năng lượng, ít chất xơ, chỉ có vitamin tan trong nước và có đường nên sẽ dễ làm trẻ bị “ngang dạ” và không muốn ăn bữa chính nữa.
Theo AAP, bé uống nhiều nước trái cây thay sữa mẹ hay sữa công thức sẽ có nguy cơ thiếu các dưỡng chất quan trọng như protein, chất béo, vitamin và chất khoáng. Vì thế, mẹ không nên cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống nước trái cây. Các em bé lớn hơn thì có thể uống nước trái cây nhưng phải giới hạn trong khoảng 150 -200gr/ngày.
Nên tăng cường dinh dưỡng cho trẻ về cả số lượng và chất lượng
Điều quan trọng trong việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi chính là việc bổ sung theo nhu cầu phát triển của cơ thể trẻ. Vì vậy, đối với trẻ suy dinh dưỡng, mẹ cần tăng cường cho bé cả về chất lượng và số lượng món ăn. Những thực phẩm giàu dinh dưỡng bao gồm sữa và sữa chua, dầu olive, mật ong, thịt cá, tinh bột,… Tăng cường số lượng bữa ăn nhiều hơn, như thành 5-6 bữa một ngày sẽ giúp bé được cung cấp nhiều dưỡng chất hơn.
Dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng tưởng chừng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản. Vì nếu cha mẹ không có kiến thức khoa học về vấn đề này, dễ dẫn tới phản tác dụng hoặc có thể gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe của con bạn.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.