Cần ngưng chế độ Keto nếu bạn gặp phải những dấu hiệu sau đây
Chế độ ăn Keto (chế độ ăn Ketogenic) nằm trong kế hoạch giảm cân của nhiều người nổi tiếng như Jenna Jameson, Mama June và Halle Berry. Chế độ ăn này giúp cơ thể đạt được một trạng thái gọi là Ketosis, trong đó cơ thể đốt cháy chất béo (chứ không phải là đường) để tạo ra năng lượng.
Trong khẩu phần theo chế độ ăn Keto, tinh bột chỉ cung cấp 5% tổng lượng calorie, trong khi chất béo chiếm 75% và 20% đến từ protein. Với chế độ ăn này, cơ thể sẽ bước vào trạng thái ketosis và đốt cháy mỡ để tạo thành năng lượng.
Không chỉ giảm cân, chế độ ăn này còn được chứng minh là giúp giảm tần suất co giật động kinh, chống lão hóa, chống viêm, chống ung thư.
Tuy nhiên, việc thay đổi đột ngột các đại chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống gây ra ảnh hưởng tiêu cực với cơ thể. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo rằng Keto không phải chế độ ăn kiêng lành mạnh để áp dụng giảm cân lâu dài. Bạn nên ngừng ăn kiêng theo chế độ Keto khi có những dấu hiệu dưới đây:
“Cúm” Keto
Một số người khi mới bắt đầu ăn kiêng Keto cảm thấy như bị ốm với một số triệu chứng nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi và dễ cáu kỉnh. Những triệu chứng này diễn ra trong vài ngày đến vài tuần, thường được gọi là “cúm” Keto.
Uống nhiều nước và bổ sung các chất điện giải có thể giảm nhẹ những tác dụng phụ này. Tuy nhiên, nếu bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua những triệu chứng này, bạn không nên thực hiện chế độ ăn Keto.
Thiếu năng lượng và đau đầu
Carbohydrate giúp dự trữ glucose, nguồn nhiên liệu mà não bộ yêu thích nhất. Do đó, khi thực hiện chế độ Keto hạn chế tinh bột, bạn sẽ có khả năng bị mệt mỏi, thiếu năng lượng. Nhiều người trải qua những cơn đau đầu dai dẳng khi thực hiện chế độ ăn kiêng này.
Theo lý thuyết, hiện tượng mệt mỏi sẽ dần cải thiện khi cơ thể bạn chuyển sang trạng thái Keto. Nếu bạn không thể học tập, làm việc hiệu quả với tình trạng này, bạn nên ngừng chế độ ăn kiêng Keto.
Tiêu chảy
Khi thực hiện chế độ ăn kiêng Keto, bạn phải tăng chất béo trong khẩu phần ăn. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là những người không quen ăn lượng lớn chất béo. Do đó, bạn có thể gặp hiện tượng tiêu chảy trong những ngày đầu, thậm chí là trong suốt quá trình ăn kiêng Keto.
Táo bón
Một tác dụng phụ khác của chế độ Ketogenic là táo bón. Khi cắt giảm tinh bột, bạn phải hạn chế một số loại ngũ cốc, rau củ và hoa quả, vốn là nguồn chất xơ dồi dào. Bên cạnh việc ăn nhiều chất đạm và ít chất xơ, cơ thể bạn còn mất nước, khiến quá trình nhu động ruột diễn ra chậm hơn.
Nếu tình trạng táo bón không cải thiện, bạn nên chuyển sang chế độ ăn uống khoa học, giàu chất xơ để ngăn ngừa táo bón kéo dài dẫn đến tắc ruột hoặc bệnh trĩ.
Không có dấu hiệu giảm cân
Khi thực hiện chế độ ăn giàu chất béo như Keto, bạn rất dễ tiêu thụ quá nhiều calorie, khiến cân nặng chỉ tăng chứ không giảm. Ngoài ra, những chênh lệch nhỏ trong thực đơn không đúng theo quy tắc Keto cũng ngăn cản cơ thể bước vào trạng thái ketosis để đốt mỡ, giảm cân.
Thực hiện nghiêm ngặt chế độ Keto có thể giúp giảm cân nhanh nhưng không có tác dụng duy trì cân nặng lâu dài, dễ gây tăng cân trở lại. Sau 1-3 tháng giảm cân không thành công với chế độ Keto, bạn nên chọn những chế độ ăn uống bền vững hơn.
Ngoài ra, nếu theo chế độ Keto, bạn phải lường trước đến chuyện cân nặng giảm nhanh nhưng cũng rất nhanh tăng trở lại. Chế độ ăn Keto nổi tiếng với việc làm giảm cân nhanh chóng. Đó là bởi vì carb giữ nhiều nước hơn protein hoặc chất béo. Vì vậy, về cơ bản, khi ngừng ăn chúng, lượng nước trong cơ thể bạn sẽ thoát ra thông qua đường tiểu. Kết quả là bạn có thể giảm đi một vài gam và trông hơi gầy hơn một chút.
Sự sụt giảm đầu tiên có thể chủ yếu là trọng lượng nước. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn Keto cũng tốt cho việc giảm chất béo. Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu người Italia, với gần 20.000 người béo phì tham gia, đã phát hiện ra rằng những người tham gia ăn Keto giảm khoảng 12 pound (khoảng 4-5kg) trong 25 ngày.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng không có nhiều nghiên cứu tìm hiểu xem liệu tình trạng giữ cân này sẽ tồn tại lâu dài hay không. Hầu hết mọi người thấy khó khăn để gắn bó lâu dài với một kế hoạch ăn uống nghiêm ngặt như vậy và nếu cắt giảm chế độ ăn uống cân nặng sẽ lại tăng trở lại.
Lưu ý: Chế độ Keto không dành cho những đối tượng sau: phụ nữ có thai và đang cho con bú, người bị rối loạn tiêu hóa, loãng xương, bệnh nhân đái tháo đường, trẻ em (dưới 18 tuổi) và người vừa trải qua phẫu thuật.
Nhân Tâm
Nguồn Tham Khảo: Eat This Not That
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.