Nguyên nhân và triệu chứng dị ứng bỉm ở trẻ
Nguyên nhân, triệu chứng dị ứng bỉm ở trẻ như thế nào để mẹ nắm và có hướng xử trí kịp thời nhé!
Nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng bỉm
Dị ứng bỉm tương tự như bệnh viêm da dị ứng thông thường, khi trẻ có tiếp xúc với các tác nhân kích ứng. Đối với trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu đến từ chất liệu bỉm hoặc thành phần của bỉm có vấn đề. Tình trạng dị ứng bỉm ở trẻ có thể hình thành từ những nguyên nhân chính sau:
- Trẻ bị dị ứng với một hoặc nhiều thành phần hóa dược chất, bông hoặc sợi vải có trong bỉm.
- Do phụ huynh bọc bỉm cho bé quá chật, không thường xuyên thay bỉm cho bé.
- Sau khi trẻ đi vệ sinh phụ huynh không lau khô vùng bẹn cho bé, khiến vùng mông, vùng kín ẩm ướt.
- Trẻ phải sử dụng bỉm kém chất lượng, thành phần không phù hợp với làn da mỏng manh của trẻ.
Triệu chứng dị ứng bỉm ở trẻ
Nếu mẹ nhận thấy trẻ gặp phải những dấu hiệu dưới đây, có thể trẻ bị dị ứng bỉm:
- Vùng mông, bụng dưới hoặc vùng bẹn, vùng quanh bộ phận sinh dục của bé bị nổi mẩn đỏ vào những ngày đầu tiên. Sau vài ngày, chúng sẽ lan ra dần đến đùi.
- Nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy vùng quanh hậu môn có màu đỏ tươi, chảy nước, cứ ẩm ướt liên tục khiến bé rất khó chịu. Vì vậy bé thường khóc nhưng một số bà mẹ lại không hề hay biết.
- Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là vùng mông, bẹn, bụng, đùi sau đó có thể sẽ phát ra toàn thân.
- Bề mặt da bị sưng phù hoặc kèm theo viêm loét cho thấy dấu hiệu trẻ bị dị ứng nặng.
- Trẻ khó đi vệ sinh, tiểu ít, kèm theo sốt cao, luôn bức bối khó chịu do tình trạng đau rát và chán ăn.
Cách xử lý tình trạng dị ứng bỉm ở trẻ
Dị ứng bỉm ở trẻ sơ sinh tuy không phải là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng trẻ sơ sinh là đối tượng có sức đề kháng yếu nên trẻ có khả năng bị nhiễm trùng cao nếu gặp phải tình trạng này. Nếu cha mẹ nhận thấy con bị dị ứng với bỉm thì cần nhanh chóng xử lý theo quy trình sau:
Trước hết, cha mẹ phải quan sát để xác định các biểu hiện, dấu hiệu dị ứng bỉm ở trẻ. Nếu như có triệu chứng như trên thì phụ huynh nên ngay lập tức tháo bỉm cho bé. Do bé có thể bị dị ứng với thành phần cấu tạo của bỉm, vì thế nếu cứ vẫn tiếp tục cho bé mặc bỉm sẽ khiến cho tình trạng dị ứng thêm nghiêm trọng hơn.
Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước sạch (dùng nước ấm, không nóng) để vệ sinh sạch sẽ vùng da tiếp xúc với bỉm.
Bằng cách này sẽ giúp vùng da bị kích ứng được rửa trôi khỏi vi khuẩn và các tế bào chết. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tránh vệ sinh da cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, khăn ướt hay bất kỳ loại chất tẩy rửa nào chứa thành phần hóa học, chất tạo mùi.
Sau khi vệ sinh xong, phụ huynh sử dụng khăn bông mềm và khô nhẹ nhàng lau sạch vùng da ẩm. Không nên mặc quần hay mang tã cho bé ngay sau khi vệ sinh. Cần lưu ý, phụ huynh nên đảm bảo vùng da mông, háng cũng như vùng kín của trẻ được khô thoáng.
Ngoài ra bạn cũng nên cảnh giác nếu vùng da của bé có xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy mà không thuyên giảm trong vài giờ. Điều này rất có thể là dấu hiệu nhiễm trùng da cần điều trị bằng thuốc. Cần tham khảo ý kiến chuyên khoa để lựa chọn và tìm ra loại thuốc bôi an toàn cho trẻ.
Nếu như trên vùng da của trẻ có xuất hiện những nốt mẩn đỏ, cha mẹ cần tránh việc tự ý mua thuốc và tự ý cho trẻ sử dụng. Một số loại thuốc có thể gây ra những triệu chứng kích ứng khác làm vùng da tổn thương trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Trong thời gian xử lý dị ứng bỉm ở trẻ, cha mẹ hạn chế sử dụng các loại phấn rôm hay kem dưỡng ẩm cho trẻ. Một số chất có trong phấn rôm có thể khiến lỗ chân lông của trẻ. Đồng thời phấn rôm cũng khiến những triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Sau đó, cha mẹ nên chủ động tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc có nên cho trẻ tiếp tục sử dụng bỉm sau khi chữa dị ứng bỉm hay không. Nếu phải sử dụng thì lựa chọn bỉm theo sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và làm giảm nguy cơ dị ứng. Ngoài ra sau khi thay bỉm, bạn cần thoa bột hoặc kem bôi chống hăm cho trẻ.
Thêm vào đó, cha mẹ tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng lại bỉm cũ, bỉm có hạn sử dụng. Một số chất liệu bỉm có bông sợi có thể khiến cho vùng da của trẻ bị nhiễm khuẩn. Gây ra các tổn thương sâu trên da và ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên thường xuyên thay bỉm cho trẻ và giữ vùng kín của bé thông thoáng. Tốt nhất bạn nên giúp trẻ thay bỉm ít nhất 8 giờ một lần để phòng ngừa dị ứng.
Thanh Hoa
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.