Ung thư buồng trứng là ung thư xuất phát tại buồng trứng. Ung thư buồng trứng khi mang thai là một căn bệnh nguy hiểm, khó nhận biết và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, gây tử vong cao.
Ung thư trong thời kỳ mang thai rất hiếm gặp, với tỷ lệ từ 0,05 – 0,1%. Theo thống kê, ung thư buồng trứng xếp thứ 5 trong số các ung thư thường gặp nhất trong thời kỳ mang thai, sau ung thư vú, tuyến giáp, cổ tử cung và u lympho Hodgkin. Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 2,8 – 11/100.000. Có thể thấy nguy cơ mắc ung thư buồng trứng khá thấp.Mắc ung thư buồng trứng khi mang thai vẫn có thể tiến hành điều trị. Tùy theo giai đoạn bệnh, thời gian mang thai và tình trạng sức khỏe sản phụ mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể. Vậy cùng tìm hiểu xem những ảnh hưởng của ung thư buồng trứng khi mang thai là gì?
Dấu hiệu nhận biết ung thư buồng trứng
Ở giai đoạn đầu các triệu chứng của ung thư buồng trứng bao gồm:
- Chướng bụng, căng tức, đau bụng;
- Chứng ợ nóng;
- Cảm thấy khó chịu ở dạ dày;
- Chán ăn;
- Cảm thấy nhanh no khi ăn;
- Đi tiểu thường xuyên, thỉnh thoảng có cơn đau;
- Mệt mỏi;
- Đau lưng;
- Táo bón.
Một số triệu chứng này có thể là do mang thai, nhưng hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bệnh nặng hơn hoặc kéo dài. Nói với bác sĩ nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng. Theo liên minh ung thư buồng trứng quốc gia (National Ovarian Cancer Coalition) có khoảng 5 đến 10 phần trăm tổng số trường hợp là do di truyền.
Các yếu tố nào có nguy cơ gây ung thư buồng trứng?
Các yếu tố nguy cơ có thể gây ung thư buồng trứng bao gồm:
- Phụ nữ có kinh nguyệt không đều;
- Phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh hoặc ít sinh đẻ;
- Phụ nữ dùng thuốc kích thích rụng trứng, dùng liệu pháp thay thế hormone sau thời kỳ mãn kinh;
- Người bị ung thư vú.
Ngoài ra, trong gia đình nếu có mẹ hoặc chị em gái có tiền sử ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 2 – 4 lần… Vì vậy cần tầm soát ung thư buồng trứng nếu có yếu tố nguy cơ trên. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng bao gồm các yếu tố sau: Tuổi tác, tình trạng thừa cân hoặc béo phì, phụ nữ sinh con muộn, dùng liệu pháp hormone sau khi mãn kinh, phụ nữ từng bị ung thư vú, có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú hoặc ung thư đại trực tràng,… Như vậy có thể phòng ngừa một vài yếu tố nguy cơ gây ung thư buồng trứng.
Chẩn đoán ung thư buồng trứng
Để chẩn đoán ung thư buồng trứng bác sĩ sẽ phải thực hiện khám lâm sàng kết hợp với cận lâm sàng như siêu âm qua ngã âm đạo và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như MRI, xét nghiệm máu tìm marker ung thư CA-125. Chẩn đoán xác định ung thư buồng trứng chỉ có thể xác định bằng giải phẫu bệnh.
Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Mục tiêu của việc điều trị khi mang thai là cứu tính mạng của người mẹ và duy trì thai kỳ đến gần ngày dự sinh nhất .Có thể hoãn việc phẫu thuật lại cho đến khi sinh con xong. Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau nặng nề hoặc có yếu tố nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết hoặc vỡ tử cung thì có thể cần phẫu thuật ngay trong khi đang mang thai hoặc điều trị hóa trị trong thai kỳ.
Một nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ có mẹ tiếp nhận hóa trị trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ vẫn có thể phát triển bình thường, khỏe mạnh. Những trẻ sinh đủ tháng phát triển khỏe mạnh hơn so với những trẻ sinh non. Tuy nhiên, phụ nữ bị ung thư được khuyến cáo không được tiến hành hóa trị trong 3 tháng đầu thai kỳ để tránh nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Xạ trị cũng sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi trong bụng, đặc biệt là khi được thực hiện trong 3 tháng đầu. Bệnh nhân ung thư buồng trứng cũng cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ dù được điều trị theo bất kỳ phương pháp nào.
Ảnh hưởng của ung thư buồng trứng khi mang thai
Theo một nghiên cứu năm 2020, tỷ lệ mắc u buồng trứng khoảng 0,15 – 5,7% và hầu hết là khối u lành tính.Hiếm khi khối u buồng trứng lành tính phát triển thành ung thư buồng trứng.
Nếu một người được chẩn đoán ung thư buồng trứng trong khi mang thai, bác sĩ sẽ xem thai kỳ của họ là thai kỳ nguy cơ cao và theo dõi chặt chẽ.
Tỷ lệ sống sót chung của những người mang thai bị ung thư buồng trứng tương tự như những người không mang thai.
Trong thời kỳ mang thai ung thư buồng trứng không ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc sự phát triển của thai nhi. Để ung thư ảnh hưởng đến thai nhi, các tế bào ung thư cần phải vượt qua hàng rào nhau thai. Mặc dù các chất dinh dưỡng và oxy và nguồn cung cấp máu đi qua nhau thai đến thai nhi tuy nhiên hiếm khi tế bào ung thư di căn đến nhau thai và càng hiếm khi đến được thai nhi.
Tuy nhiên khi điều trị ung thư buồng trứng bao gồm phẫu thuật hoặc hóa trị có thể gây rủi ro cho thai nhi cao hơn so với ảnh hưởng của bệnh. Điều trị hóa trị trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ được xem là an toàn hơn so với ba tháng đầu thai kỳ. Ba tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian thai nhi phát triển các cơ quan nên có 10 – 20% nguy cơ dị tật thai nhi nếu hóa trị trong ba tháng đầu và 1,3% nguy cơ dị tật trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ.
Theo nghiên cứu, không có biến chứng lâu dài đáng kể nào ở thai nhi tiếp xúc với hóa trị trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ.
Phẫu thuật ung thư buồng trứng khi mang thai có độ an toàn tương đối, tuy nhiên nếu một người được phẫu thuật trong ba tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ sảy thai sẽ cao hơn. Mặc dù có vài rủi ro đối với thai nhi nhưng không nên trì hoãn phẫu thuật nếu cần thiết.
Điều trị ung thư buồng trứng có ảnh hưởng đến việc mang thai trong tương lai hay không ?
Tùy theo phương pháp điều trị mà có những ảnh hưởng nhất định đến việc mang thai trong tương lai:
- Phẫu thuật cổ tử cung: Nếu một sản phụ được phẫu thuật cắt bỏ một phần cổ tử cung, sau này họ có nguy cơ sảy thai hoặc sinh non cao hơn bình thường.
- Hóa trị: Một số phương pháp hóa trị có thể làm hỏng tế bào tim làm tim yếu đi và ảnh hưởng đến việc mang thai sau này.
- Xạ trị: Nếu một người được xạ trị, nó có thể ảnh hưởng đến các tế bào và nguồn cung cấp máu của tử cung từ đó làm tăng nguy cơ đẻ non, sảy thai hoặc sinh con nhẹ cân.
Tóm lại, ung thư buồng trứng khi mang thai là một bệnh hiếm gặp tuy nhiên có những ảnh hưởng nhất định đến thai kỳ. Hy vọng những thông tin trên đã giúp ích cho bạn trong quá trình chuẩn bị mang thai và mang thai.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp