Hở van tim là một trong số những bệnh lý tim mạch phổ biến hiện nay. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người mắc mà còn gây một số biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, không ít người bệnh luôn cảm thấy lo lắng, bất an và thắc mắc bệnh hở van tim có chữa được không?
Hở van tim là tình trạng một hay nhiều van tim (gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi) không thể đóng kín hoàn toàn như bình thường khi tim co bóp. Do đó, một lượng máu sẽ bị rò rỉ và trào ngược trở về buồng tim phía trước.
Phương pháp chẩn đoán hở van tim
Trước khi giải đáp thắc mắc bệnh hở van tim có chữa được không, cùng tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán hở van tim nhé! Trước tiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, cụ thể:
- Dùng ống nghe tim: Nếu van tim bị hở, bác sĩ có thể nghe có tiếng thổi do dòng máu trong tim phụt ngược bất thường.
- Hỏi bệnh nhân về các triệu chứng lâm sàng có dấu hiệu của bệnh lý như: Tức ngực, khó thở, choáng ngất…
- Tìm hiểu tiền sử gia đình, bệnh lý gợi ý nguyên nhân (bẩm sinh, chấn thương hay nhồi máu cơ tim…).
Để bổ sung tính chính xác cho các kết luận lâm sàng, những phương thức chẩn đoán cận lâm sàng có thể được chỉ định thêm bao gồm:
- Điện tâm đồ;
- Chụp X-quang ngực;
- Siêu âm Doppler tim;
- Thông tim và chụp mạch;
- Một số xét nghiệm cận lâm sàng khác như: Chụp CT scanner, cộng hưởng từ, xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu…
Bệnh hở van tim có chữa được không?
“Bệnh hở van tim có chữa được không?” là câu hỏi thường gặp ở người bệnh được chẩn đoán mắc hở van tim. Thực tế, bệnh hở van tim có chữa được không sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tình trạng hở van tim nhẹ có thể không cần chữa trị nhưng cũng có trường hợp nguy hiểm để bảo tồn chức năng tim cần phải tiến hành sửa chữa hoặc thay van tim.
Đa phần các trường hợp hở van tim vẫn không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp điều trị sớm và phù hợp có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tình trạng bệnh, hạn chế nguy cơ gây biến chứng và kéo dài tuổi thọ. Hiện nay, bệnh nhân hở van tim vẫn có thể chung sống hòa bình với bệnh nếu tuân thủ các phương pháp điều trị, ăn uống khoa học và duy trì lối sống lành mạnh.
Khi nào cần điều trị hở van tim?
Các trường hợp hở van sinh lý (cấp độ 1/4, 2/4) chưa có triệu chứng thường không đáng lo ngại, chỉ cần theo dõi định kỳ và chưa cần tiến hành điều trị. Tuy nhiên, bạn cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị ngay để tránh bệnh tiến triển nếu rơi vào các trường hợp sau:
- Hở van đã xuất hiện triệu chứng;
- Hở van động mạch chủ;
- Hở van mức độ 3/4 trở lên;
- Hở van kèm các bệnh tim mạch khác như: Thiếu máu cơ tim, thấp tim, mạch vành, tăng huyết áp…
Điều trị hở van tim
Không chỉ thắc mắc bệnh hở van tim có chữa được không, nhiều người bệnh cũng quan tâm tìm hiểu về các phương pháp điều trị hở van tim. Phác đồ điều trị hở van tim sẽ được xây dựng dựa vào các yếu tố: Van tim nào bị hở, mức độ hở, nguyên nhân, triệu chứng, bệnh lý đi kèm cũng như tình trạng sức khỏe người bệnh.
Điều trị hở van tim cấp độ nhẹ
Người bệnh hở van tim mức độ nhẹ sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kết hợp với chế độ sinh hoạt, làm việc và ăn uống phù hợp. Cụ thể:
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc chữa bệnh hở van tim hiệu quả được chỉ định gồm: Thuốc lợi tiểu (Spironolactone, Furosemide, Hydrochlorothiazide), thuốc chống đông máu, Digitalis, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc làm giảm hậu gánh, thuốc giãn mạch nhóm Nitrat…
- Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học: Tăng cường nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc… cắt giảm lượng mỡ, lượng muối trong khẩu phần.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý: Nói không với rượu bia, thuốc lá. Đồng thời, giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, không thức khuya, tránh stress, căng thẳng…
- Cần cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, không làm việc quá sức.
Lưu ý: Cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về thời gian và liều lượng sử dụng thuốc điều trị hở van tim Nếu thấy dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử lý.
Điều trị hở van tim nặng
Với trường hợp van tim hở mức độ nặng, bệnh nhân không đáp ứng thuốc, có nguy cơ biến chứng thì các bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp phẫu thuật hở van tim bao gồm:
- Phẫu thuật sửa van tim: Dựa vào mức độ hở van tim bệnh nhân có thể được chỉ định cắt hoặc khâu nhằm đảm bảo các lá van khép kín với nhau.
- Phẫu thuật thay van tim: Van tim của người bệnh sẽ được cắt bỏ và thay thế bằng van tim nhân tạo (van tim sinh học hoặc cơ học).
Có thể nhận diện sớm hở van tim được không?
Ở giai đoạn đầu, hầu như rất khó để nhận biết hở van tim bởi bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng và chưa gây ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người bệnh. Đa số trường hợp phát hiện sớm hở van tim là nhờ những lần thăm khám sức khỏe định kỳ. Nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị hở van tim sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Do đó, để có một trái tim khỏe mạnh và bảo vệ sức khỏe bản thân, hãy chủ động hơn trong việc thăm khám sức khỏe thường xuyên (định kỳ 6 tháng/lần) nhằm phát hiện sớm hở van tim và các bệnh lý nguy hiểm khác.
Những chia sẻ trên đây chắc hẳn đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “bệnh hở van tim có chữa được không?” và có thêm thông tin về căn bệnh này. Người bệnh luôn có thể sống hòa bình và lâu dài với bệnh hở van tim, quan trọng là bạn hãy luôn chú ý theo dõi, cập nhật thông tin để cùng bác sĩ có chiến lược điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.
Tổng hợp