Ăn uống đúng cách cho phụ nữ sau sinh
1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng với phụ nữ sau sinh
Dinh dưỡng cho mẹ đối với nguồn sữa mẹ
Nói chung thành phần sữa mẹ là tương đối hằng định, ở tất cả các bà mẹ và nguồn năng lượng dự trữ của mẹ luôn được huy động để sản xuất sữa khi cần. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng, dinh dưỡng cho mẹ vẫn có ảnh hưởng khá lớn đến một số vi chất, số lượng của sữa mẹ. Chế độ ăn của những chị em thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B1, A, D thì các vitamin này cũng sẽ thiếu trong sữa của người mẹ đó. Đồng thời, trong 6 tháng đầu, lượng kháng thể của con sẽ được truyền trực tiếp qua sữa mẹ. Do đó, cần bảo đảm đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho mẹ là cách phòng bệnh tốt nhất cho con, chống đỡ bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa.
Dinh dưỡng bảo đảm sức khỏe cho mẹ
Ăn uống đúng cách giúp mẹ có sức khỏe chăm bé tốt hơn
Mặc dù nguồn dinh dưỡng dự trữ trong thời gian mẹ mang thai vẫn chưa tiêu thụ hết nhưng đã mất khá nhiều vì mất máu khi sinh đẻ, sản xuất sữa non trong những tháng cuối của thai kỳ và sau khi sinh. Vì vậy, chú ý đến dinh dưỡng cho mẹ trong thời gian cho con bú không chỉ là để sản xuất sữa mà còn bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho mẹ. Dinh dưỡng sẽ giúp mẹ tiếp tục với chức năng làm mẹ và các công việc hàng ngày. Một chế độ ăn đa dạng với đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt chứa nhiều canxi, vitamin A, D… cần được chú ý nhất.
2. Phụ nữ sau sinh nên ăn gì?
Theo chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ sau sinh phải có chế độ ăn uống đúng cách, thực đơn nhiều chất dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đủ năng lượng (khoảng 2,800 kcal/ngày). Những hướng dẫn ăn uống sau sinh đúng cách mà Dược sĩ Vifa khuyên phụ nữ sau sinh bổ sung vào thực đơn hàng ngày:
Chất đạm: Nên ăn thịt nạc (như heo, gà, bò, tôm) tránh thịt nhiều mỡ, ăn nhiều trứng gà, các loại đậu như đậu nành, đậu phộng, đậu đen, đậu đỏ… nên tăng cường uống sữa bò, yogurt, sữa đậu nành…
Chất bột đường: Cơm, cháo, mì sợi, phở… Hạn chế ăn bún cùng các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, kem lạnh…
Mẹ có thể đa dạng các món ăn từ chất bột đường như cơm, phở, cháo…
Rau, củ: Ăn nhiều loại rau có lá màu xanh đậm, các loại củ có màu cam, đỏ như rau ngót, bông cải xanh, rau dền, mồng tơi, cà rốt, bí đỏ, khoai lang nghệ… Những thực phẩm này sẽ cung cấp nhiều vitamin, chất xơ, betacaroten giúp tăng cường dinh dưỡng cho sữa và phòng chống táo bón rất tốt.
Chất sắt: Mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như lòng đỏ trứng gà, vịt, tim, cật heo, cá, mực, tôm, thịt bồ câu, rau đay, đậu đen, đậu trắng, đậu hũ, mè, hạt sen, đậu hà lan, súp lơ xanh…
Trái cây: nên ăn nhiều loại, đa dạng để bổ sung nguồn vitamin A, C, các chất khoáng, hoạt chất dinh dưỡng khác nhau như nho, cam, táo, lê, bơ, chuối, đu đủ, mít, vải… Tuy nhiên, cần nhớ là các loại trái cây nên cắt nhỏ, nhai kỹ để làm ấm trong miệng trước khi nuốt nhé.
Mẹ có thể xay thành sinh tố, ép nước để uống cho dễ dàng nha
Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý:
Thức ăn phải được đun chín mềm, dễ tiêu, nên ăn khi thức ăn còn nóng ấm (khoảng 40-50 độ C). Tránh ăn các thức ăn còn sống, nhiều chất chua như xoài xanh, khế chua, chanh, quýt chua…, hạn chế thức ăn có tính hàn như bí đao, dưa leo, dưa hấu, nước dừa, khổ qua, các loại hải sản nghêu, sò, ốc, hến vì dễ sinh lạnh bụng, đầy hơi, khó tiêu, ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Nên uống nhiều nước (khuyến cáo khoảng 2,5-3 lít/ngày) gồm sữa, nước trái cây, nước sôi để nguội và cả nước khoáng. Tuy nhiên, cần hạn chế ăn canh rau vào buổi chiều, tối để tránh đi tiểu nhiều lần vào ban đêm mẹ nhé.
Ăn uống đúng cách không chỉ giúp mẹ có sức khỏe tốt, phục hồi sau sinh để chăm sóc bé tốt nhất, mà còn để có nguồn sữa nhiều dinh dưỡng cho bé phát triển tốt nhất.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.